Tổng vốn đầu tư cho đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể lên đến 72,8 tỉ USD

67,3 tỷ USD là nguồn vốn mới tính cho đầu tư ban đầu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, còn nếu tính đúng, tính đủ, nhất là chi phí mua bổ sung các đoàn tàu trong giai đoạn 2036 - 2045 thì tổng vốn đầu tư dự án sẽ tăng lên hơn 72,8 tỉ USD.

Vốn đầu tư sẽ lên tới 72,8 tỉ USD nếu tính cả mua tàu

Trước đó, trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT), Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (Dự án) khoảng 67,34 tỉ USD.

Tàu tốc độ cao sử dụng công nghệ Shinkanshen ở Nhật Bản_ Ảnh minh họa

Tàu tốc độ cao sử dụng công nghệ Shinkanshen ở Nhật Bản_ Ảnh minh họa

Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy mô đầu tư Dự án với tổng chiều 1.541 km được xây dựng với quy mô đường đôi, khổ 1435mm, trong đó: công trình cầu có tổng chiều dài khoảng 938km, nhịp 30-100m, bề rộng 12m; công trình hầm có tổng chiều dài khoảng 154km, diện tích mặt cắt ngang hầm khoảng 102,65m2; công trình nền đất có tổng chiều dài khoảng 449km, bề rộng nền khoảng 13,8m.

Dự án cũng xây dựng 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; 5 depot tàu khách, diện tích bình quân khoảng 47ha; 4 depot tàu hàng, diện tích bình quân khoảng 9,5ha; 40 trạm bảo dưỡng hạ tầng, diện tích bình quân khoảng 6ha; lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, trung tâm điều hành vận tải, hệ thống cấp điện, hệ thống vé bảo đảm đồng bộ, hiện đại.

Trong phạm vi dự án cũng sẽ mua sắm 85 đoàn tàu khách EMU (8 toa/1 đoàn) và tàu hàng 30 đầu kéo tàu hàng, 1.250 toa hàng. Báo cáo NCTKT sơ bộ xác định tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1,713 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).

Theo Hội đồng thẩm định nhà nước, Dự án mới tính cho đầu tư ban đầu mà chưa xem xét đến mua sắm đoàn tàu bổ sung của doanh nghiệp vận tải năm 2040 với kinh phí đầu tư 1,46 tỷ USD để mua 280 toa xe; năm 2045, với kinh phí đầu tư 4,07 tỷ USD để mua thêm 472 toa tàu nhanh và 344 tàu tiêu chuẩn. Do đó, đề nghị Bộ GTVT cần thuyết minh rõ tổng nguồn vốn cần cho Dự án bao gồm vốn đầu tư xây dựng cho dự án (2025-2035) là 67,34 tỷ USD và nguồn vốn bổ sung 5,53 tỷ USD trong giai đoạn khai thác là (2036-2045).

Chưa có đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn

Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư Dự án khoảng 43,69 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến ĐSTĐC trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024 như: Đức: Tuyến Nuremberg - Ingolstadt, tốc độ khai thác 300km/h, 60,5 triệu USD/km; Pháp: Tuyến LGV Sud Europe - Atlantique, tốc độ khai thác 300km/h, 45,2 triệu USD/km; Hàn Quốc: Tuyến Osong - Mokpo, tốc độ khai thác 305km/h, 53,6 triệu USD/km; Trung Quốc: Tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải, tốc độ khai thác 350km/h, 33,1 triệu USD/km; Indonesia: Tuyến Jakarta - Bandung, tốc độ khai thác 350km/h, 52 triệu USD/km.

“Trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi có số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.”, theo Bộ GTVT.

Tuy nhiên, tại Thông báo kết luận về hồ sơ Báo cáo NCTKT Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đã đề nghị Bộ GTVT rà soát lại tổng mức đầu tư trên cơ sở nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.

Theo đánh giá và kiến nghị của Tư vấn thẩm tra, chi phí thiết bị (thiết bị điện, thông tin, tín hiệu) của Dự án đang tính cao so với so với các dự án ĐSTĐC có quy mô tương tự đã triển khai trên thế giới 15- 20%. Chi phí đoàn tàu tính toán mua sắm với tất cả các toa có đơn giá như nhau là chưa chính xác vì đơn giá toa tàu phụ thuộc vào toa có động cơ và toa không có động cơ và việc lập đơn giá nên lập cho cụ thể từng cấu Thành đoàn tàu. Đề nghị rà soát để đảm bảo tính đúng, tính đủ cho dự án.

Về khả năng cân đối vốn, trong tổng mức đầu tư 1,713 triệu tỷ đồng nêu trên, Báo cáo NCTKT Dự án sau giải trình dự kiến nguồn vốn NSNN đầu tư cho Dự án như sau: Giai đoạn 2024-2025: 415,61 triệu USD, tương đương khoảng 10.575 tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030: 30.801,38 triệu USD, tương đương khoảng 783.741 tỷ đồng; Giai đoạn 2030 - 2035: 33.949,23 triệu USD, tương đương khoảng 863.838 tỷ đồng.

Theo Hội đồng thẩm định, báo cáo thẩm định nội bộ của Bộ GTVT chưa có nội dung thẩm định về khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Hiện tại chưa có đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho giai đoạn 2026 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2036 cho Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Vì thế đề nghị Bộ GTVT giải trình, thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.

Gia Khánh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tong-von-dau-tu-cho-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-co-the-len-den-72-8-ti-usd-455025.html