Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Các cổ phiếu bảo hiểm tạo sóng

Thị trường có tuần giảm điểm trở lại với thanh khoản gia tăng mạnh. Giao dịch phân hóa cao ở nhiều nhóm ngành, nhưng các mã bảo hiểm lại có sự đồng thuận và nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 11,18 điểm (-0,88%), xuống 1.261,93 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 125.907,4 tỷ đồng, tăng 34,3% so với tuần trước.

Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5%-6%.

Tính đến trung tuần tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 270,82 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD.

Trong tuần qua, nổi bật là các cổ phiếu trên UpCoM khi rất nhiều mã tăng giá rất mạnh, thanh khoản gia tăng rất đột biến như ALV (+32,53%), PVO (+29,82%), VTK (+26,53%), VTD (+17,28%), MML (+18,43%), BSR (+15,31%), VEA (+13,94%)....

Về nhóm ngành, các cổ phiếu bảo hiểm có tuần khởi sắc, hướng đến vùng đỉnh cũ, thanh khoản đột biến, nổi bật như MIG (+20,35%), BMI (+10,17%), BVH (+9,18%), ABI (+7,63%), BIC (+7,52%), PVI (+4%)...

Trong khi đó nhóm công nghệ, viễn thông chịu áp lực chốt lời sau thời gian thu hút dòng tiền gần đây, VTP (-8,13%), CTR (-5,88%), FOX (-3,05%), CMG (-2,61%)...

Ba nhóm ngành lớn là ngân hàng, bất động sản, công ty chứng khoán đã phân hóa mạnh. Trong đó, các cổ phiếu công ty chứng khoán với VND (-8,45%), CSI (-6,74%), VFS (-6,67%), APG (-5,42%). Trong khi BVS (+10,50%), TVB (+9,22%), APS (+5,8%).

Nhóm bất động sản DRH (-7,51%), NTL (-6,61%), DIG (-4,96%), NDN (-4,59%), còn ở chiều ngược lại là CSC (+21,89%), NHA (+14,34%), DTD (+11,66%), HDG (+10,58%).

Ngành ngân hàng với ABB (+10,26%), KLB (+5,31%), ACB (+3,53%), trong khi các mã điều chỉnh là BVB (-4,76%), TCB (-3,83%), SHB (-3,75%), TPB (-3,53%)...

Trên sàn HOSE, cổ phiếu PAC tăng mạnh nhất sàn, với ba phiên từ đầu tuần đều tăng hết biên độ và tăng nhẹ 2-3% trong hai phiên còn lại và đã chạm mức cao kỷ lục mới. Thanh khoản duy trì khớp lệnh trên dưới 0,15 triệu đơn vị/phiên.

Các mã khác trong top những cổ phiếu tăng mạnh đến từ những cái tên riêng lẻ ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền trong tuần qua như MIG ở nhóm bảo hiểm, TCM ở nhóm dệt may, PSH ở nhóm dầu khí, BFC ở nhóm năng lượng…

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tiết cung giá thấp và hầu hết các mã giảm đều chỉ mất 7-8%. Nhưng đáng chú ý có CIG, khi bị chốt lời sau khi tuần trước tăng hơn 30% và là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn.

Trên sàn HNX, cổ phiếu API có tuần thứ hai liên tiếp là cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn, sau khi tuần trước đó tăng gần 40%. Nhóm cổ phiếu APEC trong đó có API vẫn đang được lực mua đầu cơ chảy mạnh sau sự xuất hiện bất ngờ của ông Nguyễn Đỗ Lăng, từng là thành viên HĐQT API xuất hiện tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của API ngày 10/5 vừa qua.

Trong khi đó, cổ phiếu NTP có tuần khởi sắc với ba phiên tăng kịch trần và hai phiên tăng mạnh 4-5%. Thông tin hỗ trợ cổ phiếu này đến từ việc thoái vốn Nhà nước sau khi SCIC công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 có NTP.

Thêm vào đó, tuần tới đây NTP chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 10% cũng có thể là nguyên nhân khiến dòng tiền ưu ái cổ phiếu này.

Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu biến động mạnh nhất tuần này giao dịch phần lớn khá ảm đạm với thanh khoản thấp trong các phiên.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất là hai cổ phiếu POM và QBS có phiên đầu tiên giao dịch sau khi bị hủy niêm yết tại HOSE.

Theo đó, cổ phiếu POM phiên ngày 24/5 đã tăng hết biên độ cho phép +39,3% lên 3.900 đồng, khớp lệnh hơn 9,1 triệu đơn vị. Đây là khối lượng khớp lệnh cao nhất của cổ phiếu này từ trước tới nay.

Cổ phiếu QBS cũng trong phiên 24/5 đã có lúc chạm giá trần, trước khi đóng cửa còn +23,1% lên 1.600 đồng, khớp lệnh gần 8,7 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/top-10-co-phieu-tanggiam-manh-nhat-tuan-cac-co-phieu-bao-hiem-tao-song-post345885.html