Top 10 hệ thống thông tin giải trí tốt nhất trên xe hơi hiện nay
Hệ thống tương tác MMI của Audi, iDrive của BMW, MyLink của Chevrolet dẫn đầu top 10 hệ thống giải trí tốt nhất trên xe hơi.
1. MMI của Audi
Giống như thiết kế của những mẫu xe Audi, hệ thống thông tin giải trí MMI cũng sắc nét và hào nhoáng. Hãng xe Đức khởi đầu cho trào lưu sử dụng màn hình cảm ứng ở khoang lái.
Sự tương tác của người dùng với xe gần như chỉ bằng thao tác chạm. Giao diện khoang lái ảo (Virtual Cockpit) cho phép hiển thị những thông tin chi tiết cho tài xế, từ tốc độ đến chỉ dẫn trên bản đồ.
2. BMW iDrive
BMW là một trong những hãng xe cung cấp trải nghiệm tương tác cho người dùng toàn diện nhất. Núm xoay chọn chức năng giúp thao tác dễ dàng hơn nhiều so với chạm qua màn hình cảm ứng.
Nhiều xe BMW hiện cho phép người dùng điều khiển bằng cử chỉ từ xa như chỉnh âm thanh, trả lời điện thoại. Tuy nhiên, tính năng này mang tính chất quảng bá nhiều hơn là tính thực dụng.
3. Chevrolet MyLink
Trên hệ thống MyLink, các nút bấm, biểu tượng đều lớn và dễ nhận diện, thao thác. Điều khiển bằng cảm ứng là xu hướng công nghệ, nhưng nút bấm cơ truyền thống vẫn được nhiều người ưa thích, đặc biệt trên những mẫu xe Chevrolet.
Apple CarPlay và Android Auto là những tính năng có sẵn, ngoài ra còn bộ phát wifi. Với GM Marketplace của hệ thống MyLink, người dùng có thể đặt thức ăn, trả tiền xăng thông qua màn hình hiển thị thông tin giải trí.
4. Chrysler Uconnect
Uconnect là một trong những hệ thống thông tin giải trí tốt nhất hiện diện ở một dòng xe không phải hạng sang. Trên một chiếc bán tải của Ram, thương hiệu thuộc Chrysler, ngoài màn hình cảm ứng 8 inch, xe còn có màn hình 12 inch khác.
Hình ảnh đồ họa, điều khiển bằng giọng nói, độ nhạy cảm ứng của màn hình tương thích Apple CarPlay và Android Auto đều được đánh giá cao.
5. Ford SYNC 3
SYNC 3 cho thấy nỗ lực của Ford trong việc khắc phục những điểm trừ của hệ thống MyFord Touch tồn tại trước đó. Cách sắp xếp giao diện rõ ràng hơn, độ nhạy cảm ứng tốt hơn, điều khiển bằng giọng nói cũng dễ sử dụng hơn trước.
6. Hyundai BlueLink
Hệ thống thông tin giải trí BlueLink cung cấp khả năng xử lý nhanh các chức năng, menu của màn hình sắp xếp hợp lý. Nếu việc thao tác bằng cảm ứng gặp vấn đề, các nút bấm cơ như một phương án dự phòng.
Màn hình cỡ lớn trên xe Hyundai có chất lượng tốt, trong khi ở kích thước nhỏ hơn lại không tạo được ấn tượng. Hãng xe Hàn là một trong những công ty tiên phong cung cấp các nền tảng Apple CarPlay, Android Auto, Amazon Alexa cùng lúc trên xe hơi. Ứng dụng thông qua điện thoại cho phép đóng, mở cửa xe hay khởi động xe từ xa.
7. Kia UVO
Giống như hãng mẹ Hyundai, hệ thống thông tin giải trí của xe Kia cân bằng giữa công nghệ hiện đại và những nút bấm cơ truyền thống. Tùy mức tiền đi kèm giá trị xe, trải nghiệm thoải mái và hiệu quả tăng theo từng cấp độ khác nhau.
8. Mercedes MBUX
MBUX xuất hiện lần đầu trên A-class, tiếp đến là CLA, GLB và những mẫu xe đắt tiền hơn. Hệ thống này là một bước nâng cấp mới của hãng xe Đức, khi chất sang trọng vẫn giữ nguyên nhưng hàm lượng công nghệ tăng.
Hãng xây dựng tương tác thông qua một trợ lý giọng nói, giúp các chức năng được thực hiện tự động. Đồ họa trên các màn hình cảm ứng sắc nét, độ nhạy cao.
9. Tesla
Hãng xe điện của Mỹ đi theo ngã rẽ hoàn toàn khác trong ngành ô tô, nơi giao diện thông tin giải trí, đồng hồ tốc độ đều gộp thành một màn hình cảm ứng cỡ lớn. Mọi chức năng đều ở đó, đơn giản và dễ sử dụng.
Trên hai mẫu Tesla Model S, Model X, một màn hình cảm ứng 17 inch ở trung tâm. Hãng cung cấp chức năng cập nhật phần mềm thông tin giải trí không dây trên các mẫu xe mới lẫn cũ.
10. Volvo Sensus
Màn hình cảm ứng trên các mẫu xe Volvo như một máy tính bảng có độ sắc nét và độ nhạy cao, liên kết tốt với bảng điều khiển ở bệ tỳ tay. Hãng xe Thụy Điển có kế hoạch nâng cấp hệ thống thông tin giải trí hiện tại bằng một giao diện mới vận hành trên nền tảng Android trong vài năm tới.