Top 10 người giàu nhất Việt Nam: Đại gia ngành nào chiếm ưu thế?
Trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ngành bất động sản chiếm ưu thế khi có tới 5 đại diện.
Năm 2020 kết thúc, danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vừa được “chốt” với những gương mặt cũ. Trong đó, ngành bất động sản có nhiều đại diện nhất, gồm: Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup; bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup; ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va; ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt.
Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng vẫn duy trì ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên đến 207.926 tỷ đồng (khoảng 9,03 tỷ USD). Trong năm 2020, dù cổ phiếu VIC giảm nhẹ từ 115.000 đồng/CP xuống 108.500 đồng/CP nhưng vị trí số 1 của ông Vượng không hề lung lay vì giá trị tài sản vượt xa các tỷ phú còn lại.
Còn theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Vượng thấp hơn con số trên khá nhiều. Theo đó, tại thời 31/12/2020, ông Vượng có 6,8 tỷ USD.
Về tốc độ gia tăng tài sản, nếu như trên toàn thế giới, tỷ phú công nghệ Elon Musk gây ấn tượng với giá trị tài sản tăng hơn 500% thì tại Việt Nam, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là người có khối tài sản “nở” ra rõ ràng nhất.
Đóng cửa phiên giao dịch 31/12/2020, cổ phiếu HPG dừng ở mức 41.450 đồng/CP, tăng 22.220 đồng/CP, tương đương 116% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Điều đó có nghĩa tài sản của ông Long cũng tăng 116% lên 35.813 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD). Nhờ đó, ông vươn lên vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.
Theo thống kê của Forbes, tại sản của ông Long cao hơn con số trên, đạt 2 tỷ USD. Dù vậy, ông không được Forbes ghi nhận là người giàu thứ hai Việt Nam. Ngôi vị này, Forbes dành cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Công ty cổ phần hàng không Vietjet, người sở hữu khối tài sản đạt 2,5 tỷ USD.
Còn tại thị trường Việt Nam, bà Thảo chỉ đứng ở vị trí thứ ba, ngay sau ông Long. Năm 2020, cổ phiếu VJC của Vietjet giảm nhẹ từ 146.200 đồng/CP xuống 125.000 đồng/CP. Vì vậy, tại thời điểm cuối năm, tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Thảo đạt 26.699 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ USD).
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là người giàu thứ 4 khi nắm giữ khối tài sản lên đến 23.223 tỷ đồng (khoảng 1,01 tỷ USD).
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan là người giàu thứ 5 với khối tài sản trị giá 22.718 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cả ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đều giàu có nhờ nắm giữ số lượng lớn cổ phần MSN của Masan và TCB của Techcombank. Sau 1 năm giao dịch, cả 2 mã này đều bứt phá. MSN tăng 33.070 đồng/CP, tương đương 59,2%. TCB tăng 7.950 đồng/CP, tương đương 33,8% so với phiên 31/12/2019.
Ba đại gia bất động sản Phạm Thu Hương, Bùi Thành Nhơn, Nguyễn Văn Đạt và Phạm Thúy Hắng lần lượt đứng ở vị trí thứ 6,7,8 và 9 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản đạt 16.390 tỷ đồng, 14.312 tỷ đồng, 12.477 tỷ đồng và 10.946 tỷ đồng.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VICOSTONE “chốt” Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Năng giàu có nhờ nắm giữ hơn 80% cổ phần VICOSTONE (cả trực tiếp và gián tiếp). Nhờ đó, ông Năng có khối tài sản đạt 10.855 tỷ đồng.