Top 9 đặc sản Long An mang 'hương vị miền quê' ngon trứ danh
Long An là vùng đất chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nên nền ẩm thực nơi đây cũng đa dạng với các món ăn ngon trứ danh.
1. Lẩu mắm
Lẩu mắm là món ăn đặc sản Long Antuy dân dã nhưng ẩn chứa nét đẹp truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Món ăn này hấp dẫn thực khách bởi hương vị thơm nồng, đậm đà của mắm, vị cay của ớt, vị ngọt của thịt heo và các loại hải sản.
Bên cạnh đó, để giữ lại hương vị thơm ngon của lẩu mắm khi thưởng thức, người ta thường ăn kèm với các loại rau dân dã như rau nhút, chuối cây, hoa súng, bông điên điển… Đây chắc chắn là một món ăn mà bạn không nên bỏ qua khi đặt chân đến vùng đất Long An.
2. Cá lóc nướng trui
Về miền Tây, đặc biệt là Long An, bạn không thể bỏ qua món cá lóc nướng trui ngon trứ danh. Món ăn này hấp dẫn thực khách bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Cá lóc đồng sau khi được sơ chế sẽ lấy một thanh tre tươi xiên vào miệng cá. Tiếp đó, cá sẽ được cắm xuống đất và phủ rơm khô lên trên để đến khi rơm cháy hết là cá cũng vừa chín tới.
Cá lóc sau khi nướng xong sẽ được bóc đi lớp da cháy và rưới lên một chút đậu phộng, mỡ hành. Để ăn món này, bạn có thể dùng bánh tráng cuốn cùng các loại rau xanh, cho thêm miếng bún, bỏ cá vào và sau đó chấm với nước mắm chua ngọt huyền thoại đã đủ để bạn cảm nhận hết hương vị của món ăn.
3. Bánh tét
Nếu có dịp về Long An, bạn đừng quên thưởng thức bánh tét truyền thống thơm ngon, đậm vị quê hương nơi đây. Nhắc đến bánh tét thơm ngon ở Long An, phải kể đến bánh tét Đức Hòa (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa). Bánh tét nơi đây có hương vị thơm ngon, độc đáo, bởi các nguyên liệu làm bánh được lựa chọn rất kỹ.
Bên cạnh bánh tét truyền thống có nhân mặn, ngọt, chuối, bánh tét chay, còn có bánh tét lá cẩm 3 màu (nếp nhuộm màu tím lá cẩm, đậu xanh vàng, mỡ heo trắng), bánh tét ngũ sắc (nếp được nhuộm bằng màu xanh lá dứa, màu đỏ trái gấc, màu tím lá cẩm, màu vàng của đậu xanh và màu trắng của mỡ heo). Dù là loại nào, bánh cũng đều có độ dẻo của nếp cùng hương vị đặc biệt của phần nhân bên trong, dễ “gây nghiện” thực khách.
4. Mắm còng Cần Giuộc
Mắm còng Cần Giuộc có 2 loại là còng nguyên con và còng quết (còng xay nhuyễn). Quy trình làm mắm còng khá đơn giản nhưng lại rất kỳ công, còng được dùng làm mắm phải là còng ngon nhất và được lựa chọn rất kỹ lưỡng.
Mắm còng có hương vị rất đặc biệt, khi chưa quen du khách có thể e ngại nhưng đã từng nếm thử rồi thì nhất định không bao giờ quên. Khi ăn mắm còng, người ta thường trộn thêm chanh, khóm, đường, tỏi, ớt, chấm kèm cà, dưa leo, đậu rồng, bần,… và có thêm bát cơm trắng. Bên cạnh đó, nhiều người còn ăn mắm chung với bún, thịt ba rọi luộc, rau sống,… đậm đà hương vị tình quê.
5. Lạp xưởng tươi Cần Giuộc
Sẽ thật thiếu sót, khi về Cần Giuộc mà không thưởng thức món lạp xưởng tươi ở khu phố Trị Yên, thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An. Nơi đây nổi tiếng về nghề sản xuất lạp xưởng tươi truyền thống. Lạp xưởng tươi Cần Giuộc thiên về vị chua ngọt, ít mặn, nhiều thịt, tôm, ít mỡ, thân ngắn, có nhiều hạt tiêu, có loại tròn nhỏ gọi là lạp xưởng bi. Lạp xưởng tươi có thể chế biến thành nhiều món ăn như hấp, nướng, chiên…
Thưởng thức một miếng lạp xưởng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt được tiết ra từ thịt, hòa quyện cùng vị thơm lừng của tiêu. Đây chắc chắn là món đặc sản không thể thiếu trong danh sách quà tặng sau mỗi chuyến đi cho người thân và bạn bè.
6. Bánh tráng dẻo sa tế
Bánh tráng dẻo sa tế Long An nổi tiếng “gây thương nhớ” với biết bao du khách gần xa.
Món ăn này hấp dẫn thực khách bởi hương vị cay nồng của sa tế, hành tỏi phi và chút mằn mặn của muối tôm. Ắt hẳn với những bạn yêu thích ăn vặt, nhất định không thể bỏ qua món bánh tráng này. Đa số du khách khi ghé Long An, đều mua loại bánh tráng này mang về cho người thân và bạn bè cùng thưởng thức.
7. Thịt lợn muối chua
Thịt lợn muối chua vốn là món ăn truyền thống của người dân xứ Mường (Thanh Sơn, Phú Thọ). Ở Long An, món ăn này cũng được xem là đặc sản được nhiều người yêu thích. Thịt lợn muối chua đạt chuẩn thì phải giữ được sắc tươi của thịt, màu vàng ươm của thính gạo rang hòa quyện trong từng miếng thịt.
Món ăn này rất kỳ công trong cách chế biến. Khi cắn miếng thịt muối chua, bạn sẽ cảm nhận được vị bùi của thịt, ngậy của bì, chua của men rừng, mặn của muối và không thể thiếu vị thơm của thính gạo. Khi ăn, người ta thường cuốn một miếng thịt muối chua trong một lớp lá rừng có vị bùi, cay của giềng, thơm của húng quế, chát của lá mít và trầu không rất lạ miệng.
8. Canh chua cá chốt
Canh chua là món ăn quen thuộc trong mỗi bữa cơm của người dân Việt Nam. Đặc biệt ở Long An, có món canh chua cá chốt nổi tiếng ngon đúng điệu.
Bát canh chua cá chốt, ngoài nguyên liệu chính là cá chốt tươi ngon, còn có bông lý Long An có vị ngọt thanh, giòn sần sật và ớt khoanh, rau thơm, giá. Để ăn kèm canh chua, thực khách có thể dùng bún hoặc cơm cũng đều rất ngon. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngọt, béo béo, bùi bùi, nóng hổi của món canh, để lại dư vị khó quên.
9. Bún Xiêm Lo
Bún Xiêm Lo có nguồn gốc từ Campuchia và trở thành món đặc sản nổi tiếng ở Mộc Hóa, Kiến Tường, Vĩnh Hưng tỉnh Long An. Món bún này chỉ có mặt ở các hàng vỉa hè hoặc các quán bình dân nhưng lại được lòng rất nhiều du khách ghé thăm nơi đây.
Khác với nhiều loại bún ở Long An, nước dùng của bún Xiêm Lo thường được nấu từ cá lóc thay cho xương heo. Chính vì vậy, món ăn này luôn có vị ngọt thanh và một mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, khi thưởng thức bún Xiêm Lo cũng không thể thiếu các loại rau ăn kèm như kèo nèo, tai tượng, rau muống,… Để tăng thêm vị đậm đà cho món ăn, bạn có thể cho thêm một ít hành phi, một chút tỏi ớt.