'Tốt gỗ hơn tốt nước sơn'

Nghị định số 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cuối tháng 12-2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, không giới hạn số lượng các cuộc thi sắc đẹp trong một năm cũng như thẩm quyền thuộc về địa phương, đã tạo điều kiện cho hàng loạt cuộc thi hoa hậu, hoa khôi được tổ chức sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo thống kê chưa đầy đủ, sẽ có hơn 10 cuộc thi sắc đẹp được tổ chức trong năm 2022, đồng nghĩa sẽ có thêm hàng chục người đẹp đội vương miện cùng hàng trăm người đẹp có các giải phụ kèm theo ở những hạng mục khác nhau.

Như chúng ta đã biết, từ thời phong kiến, công-dung-ngôn-hạnh là một chuẩn mực đạo đức xã hội, là thước đo đánh giá người phụ nữ. Câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà ông cha ta vẫn thường răn dạy con cháu chính là đề cao nét đẹp bên trong, đề cao nội dung, bản chất hơn là hình thức bên ngoài, để nhắc nhở mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức được việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực của bản thân. Quan niệm đó cũng thường liên hệ đến người phụ nữ, vì họ được mệnh danh là phái đẹp. Sở dĩ nhắc đến điều này vì không phải cuộc thi sắc đẹp nào cũng mang đầy đủ ý nghĩa, giá trị xã hội tích cực. Bởi thực tế diễn ra, có không ít cuộc thi bị cơ quan chức năng dừng lại khi đêm chung kết cận kề, hoặc không công nhận kết quả, giá trị cuộc thi. Cùng với đó, đã có thí sinh sau những cuộc thi không chuyên rơi vào vòng lao lý vì cái bẫy, danh xưng người đẹp. Có dư luận cho rằng, một số cuộc thi sắc đẹp là cơ hội để “tuyển vợ cho đại gia” hay là “sân sau” của doanh nghiệp...

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê (thứ 2, trái) lọt vào Top 5 người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê (thứ 2, trái) lọt vào Top 5 người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: TTXVN.

Để những cuộc thi sắc đẹp có ý nghĩa, giá trị xã hội tích cực, cũng là cơ hội để những cô gái trẻ với đầy đủ trí tuệ, sắc đẹp, bản lĩnh thể hiện mình, rất cần sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng. Điều này cho thấy công tác thẩm định hồ sơ, điều kiện tổ chức cuộc thi phải thật kỹ lưỡng. Công tác phối hợp, hỗ trợ giữa chính quyền địa phương và đơn vị, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức cuộc thi phải hết sức linh hoạt trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Một cuộc thi sắc đẹp chỉ thực sự có ý nghĩa khi chọn ra được người giành vương miện sở hữu đầy đủ tài-sắc, mang trọng trách như mục đích của cuộc thi hướng đến, đó là các giá trị chân-thiện-mỹ, đồng thời phải có ảnh hưởng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần cân đối việc định hướng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp với những hoạt động an sinh xã hội. Làm được như vậy, các cuộc thi sắc đẹp không chỉ có tính chất giải trí mà còn có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc.

VŨ DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tot-go-hon-tot-nuoc-son-693925