Tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may cần tỉ mỉ, giỏi kỹ thuật mới dễ có việc làm
Bên cạnh chuyên môn, sinh viên ngành Công nghệ dệt, may cần có tinh thần chịu khó, sự kiên trì và tỉ mỉ trong từng thao tác kỹ thuật và quy trình sản xuất.
.t1 { text-align: justify; }
Ngành Công nghệ dệt, may đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành lựa chọn hấp dẫn với những bạn trẻ yêu thích thời trang, thiết kế và công nghệ. Với môi trường đào tạo hiện đại, cơ hội việc làm rộng mở cùng mức thu nhập khởi điểm cạnh tranh, ngành học này đang dần khẳng định vị thế trong bức tranh giáo dục đại học.
Nhu cầu nhân lực cao, đòi hỏi người học cần có sự tỉ mỉ và kiên trì
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tùng, Trưởng khoa Khoa Công nghệ may – Thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong những năm gần đây, lĩnh vực Công nghệ thời trang, đặc biệt là ngành Công nghệ dệt, may đã trở thành một trong những lựa chọn học tập hấp dẫn được nhiều sinh viên quan tâm. Trung bình mỗi năm, nhà trường tuyển sinh khoảng 200 – 300 sinh viên.
Nhu cầu nhân lực trong ngành học này hiện đang ở mức cao, cho thấy tính thiết thực và vai trò ngày càng quan trọng của ngành trong đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù, những năm trước, thị trường có chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng sinh viên tốt nghiệp vẫn dễ dàng tìm kiếm được việc làm nhờ nhu cầu tuyển dụng lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và thiết kế thời trang. Đặc biệt, các đơn vị tuyển dụng luôn ưu tiên ứng viên đến từ các trường đại học có nền tảng đào tạo tốt, sở hữu cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ giảng viên chất lượng".

Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tùng – Trưởng khoa Khoa Công nghệ may – Thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh NVCC.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tùng, để theo học ngành Công nghệ dệt, may, ngoài đam mê, sinh viên còn cần có sự kiên trì, tỉ mỉ và tinh thần chịu khó. Đây là ngành học đòi hỏi phải có kiến thức nền tảng vững chắc, đồng thời yêu cầu cao về thực hành để người học có thể làm chủ quy trình sản xuất, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp và nâng cao năng lực giải quyết vấn đề. Những yếu tố này sẽ giúp sinh viên đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe từ doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Cùng chia sẻ về ngành Công nghệ dệt, may, Thạc sĩ Đào Anh Tuấn - Phó Trưởng khoa, Khoa Dệt may và Thời trang, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp cho biết, khi theo học ngành này sinh viên sẽ được trang bị kiến thức toàn diện từ cơ bản đến chuyên sâu về: Công nghệ may (quy trình sản xuất, tổ chức chuyền, cải tiến thao tác); Thiết kế sản phẩm may (thiết kế rập, nhảy size, giác sơ đồ bằng phần mềm chuyên dụng như Gerber, Lectra, optitex); Vật liệu dệt may; Quản lý sản xuất và quản lý chất lượng; Tổ chức và điều hành dây chuyền may; Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất may mặc (CAD/CAM).
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các em còn được phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, rèn luyện tiếng Anh chuyên ngành và kỹ năng thực hành thông qua các đợt thực tập tại doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc thực tế ngay sau khi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Đào Anh Tuấn cho biết thêm, trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh ngành Công nghệ dệt, may có xu hướng ổn định với số lượng thí sinh đăng ký khá đều qua từng năm. Mỗi năm, nhà trường đều tuyển đủ chỉ tiêu từ 260 đến 320 sinh viên. Tuy nhiên, so với các ngành “hot” như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, số lượng thí sinh chọn ngành học này vẫn còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, ngành vẫn chưa thu hút được học sinh giỏi có điểm tuyển sinh cao vào trường.
Đối với những em quyết định theo học ngành này thường đã có định hướng rõ ràng, yêu thích kỹ thuật, thiết kế và sản xuất thời trang. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất của các tập đoàn may mặc quốc tế vào Việt Nam cũng tạo động lực thu hút thí sinh hơn trong những năm gần đây.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp trong buổi học thực hành cắt may áo dài. Ảnh website nhà trường.
Chia sẻ về những tố chất cần có của sinh viên ngành Công nghệ dệt, may,Phó Trưởng khoa, Khoa Dệt may và Thời trang, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhấn mạnh, sinh viên cần phải có sự cẩn thận, kiên trì và tỉ mỉ trong từng thao tác kỹ thuật và quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề cũng rất cần thiết, đặc biệt khi cải tiến kỹ thuật hoặc quản lý chuyền may.
Ngoài ra, các em cần phải biết sử dụng công nghệ, có tinh thần sáng tạo trong thiết kế mẫu và cải tiến quy trình. Cùng với đó là kỹ năng làm việc nhóm vì ngành may mặc luôn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu sản xuất.
Cuối cùng, tinh thần học hỏi và khả năng thích nghi với công nghệ mới sẽ giúp sinh viên bắt kịp sự đổi mới nhanh chóng của máy móc và phần mềm trong ngành.
Doanh nghiệp không chỉ cần lao động phổ thông mà cần nhân sự có trình độ kỹ thuật cao
Theo Thạc sĩ Đào Anh Tuấn, hiện nay, ngành dệt, may vẫn là một trong những ngành mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp cùng xu hướng chuyển dịch sản xuất từ các nước phát triển sang Việt Nam, khiến nhu cầu về nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ dệt, may ngày càng tăng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp không chỉ cần lao động phổ thông mà còn cần nhân lực có trình độ kỹ thuật, quản lý có khả năng điều hành sản xuất, hiểu biết về công nghệ chuyên sâu và có khả năng ngoại ngữ, tin học cao.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các em có thể lựa chọn làm việc tại những công ty may mặc trong và ngoài nước, từ khối sản xuất, kỹ thuật, thiết kế đến quản lý sản xuất. Theo khảo sát của nhà trường và phản hồi từ doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đạt trên 90%.
Mức lương khởi điểm của sinh viên sẽ dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng tùy theo vị trí và khu vực làm việc. Nếu làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành tốt, sinh viên có thể nhận mức lương cao hơn, từ 12-15 triệu đồng/tháng ngay ở những năm đầu tiên.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tùng khẳng định, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc như quản lý sản xuất, kỹ thuật viên hoặc các vị trí quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang.
Bên cạnh đó, người học sau khi ra trường cũng có thể làm việc tại các công ty thiết kế, phòng nghiên cứu và phát triển. Mức lương khởi điểm trung bình trong ngành này khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, kèm theo nhiều cơ hội thăng tiến trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhiều tiềm năng phát triển.
Cùng chia sẻ về ngành học này, anh Trần Vương Quốc Khánh, cựu sinh viên ngành Công nghệ dệt, may Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Co-founder của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Made Workshop (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngành Công nghệ dệt, may cần phải thực hành nhiều để có kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế qua từng thiết kế, đơn hàng, từng loại sản phẩm. Vì vậy, người học cần phải chăm chỉ, tỉ mỉ và kiên trì trong quá trình học tập cũng như làm việc.
Ngoài ra, cần rèn luyện khả năng sáng tạo, nắm bắt xu hướng thời trang và làm quen với các công nghệ, thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.
Anh Khánh nói thêm: “Những kiến thức được học ở trường rất hữu ích và có thể áp dụng vào quá trình làm việc thực tế. Chẳng hạn, khi còn là sinh viên, tôi thường hỗ trợ thầy cô sửa máy móc, từ đó, tôi không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn hiểu rõ hơn về cách vận hành thiết bị, cách xử lý sự cố kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm.
Những trải nghiệm đó giúp tôi tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, vì bản thân không chỉ biết học, mà còn biết làm và biết cách ứng dụng linh hoạt trong thực tế.
Về may vá, tôi cũng được truyền cảm hứng từ những chia sẻ đầy tâm huyết của thầy cô. Việc tự tay may quần áo vừa mang lại niềm vui cho bản thân vừa giúp tích lũy kiến thức thực tế về chất liệu vải, kỹ thuật cắt may cũng như cách xử lý các chi tiết phức tạp. Những gì học được từ nhà trường và quá trình tự học thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho công việc của tôi sau này.
Tuy nhiên, để có thể tiếp cận và thực hiện tốt những kỹ thuật may mặc phức tạp như xử lý các loại vải khó, thiết kế rập nâng cao hay vận hành máy móc chuyên dụng, người học vẫn cần sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm thực tế như các doanh nghiệp, công ty chuyên về sản xuất thời trang”.

Anh Trần Vương Quốc Khánh, cựu sinh viên ngành Công nghệ dệt, may Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh NVCC.
Về cơ hội việc làm, anh Khánh cho rằng lĩnh vực may mặc hiện nay vẫn mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Sản xuất may mặc tại Việt Nam có truyền thống lâu dài, đặc biệt trong việc xuất khẩu, điều này tạo ra lợi thế lớn cho những ai muốn theo đuổi nghề.
Thêm vào đó, thị trường thời trang trong nước cũng đang phát triển mạnh mẽ. Mặc dù, có những ảnh hưởng từ các yếu tố kinh tế, nhưng nhìn chung, thị trường thời trang vẫn rất sôi động và có nhiều cơ hội, so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Các thương hiệu trong nước liên tục tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ dệt, may, cho thấy nhu cầu lao động trong lĩnh vực này vẫn rất cao.
Tuy nhiên, để tiếp cận được những vị trí tốt với mức thu nhập cao, sinh viên cần chủ động trau dồi kỹ năng, đặc biệt là khả năng tiếng Anh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây được xem là yếu tố then chốt, giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nhanh chóng gia nhập thị trường lao động.
Ngoài ra, nhận thức rõ thế mạnh của bản thân là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi hiểu được điểm mạnh, bản thân sẽ tự tin thể hiện và thuyết phục nhà tuyển dụng về sự phù hợp với vị trí công việc. Điều này không chỉ giúp gia tăng cơ hội trở thành ứng viên nổi bật mà còn rút ngắn thời gian tìm kiếm công việc trong tương lai. Nhà tuyển dụng thường dễ bị thu hút bởi sự chuyên nghiệp và sự tự tin mà ứng viên thể hiện.
Về mức lương, ngành Công nghệ dệt, may có mức lương khởi điểm khoảng 8-10 triệu/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập này có thể thay đổi tùy thuộc vào vị trí công việc, kinh nghiệm và kỹ năng của mỗi người. Những công việc liên quan đến thiết kế, quản lý sản phẩm hay tiếp thị trong ngành thời trang thường có mức lương cao hơn so với công việc trong dây chuyền sản xuất.
Thêm vào đó, với sự phát triển của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam, mức lương và phúc lợi cho các vị trí cao cấp như quản lý dự án hay giám đốc sản xuất, cũng ngày càng hấp dẫn hơn.
Trường đại học cần mở rộng liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng
Để nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân lực với ngành Công nghệ dệt, may, Thạc sĩ Đào Anh Tuấn nhấn mạnh yếu tố hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Trong đó, Phó Trưởng khoa, Khoa Dệt may và Thời trang, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp lưu ý một số giải pháp.
Thứ nhất, tăng cường, mở rộng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc hợp tác này giúp sinh viên có cơ hội thực tập, tiếp cận môi trường làm việc thực tế và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Thứ hai, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo theo xu hướng công nghệ mới nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh của sinh viên sau tốt nghiệp.
Thứ ba, đầu tư thêm thiết bị hiện đại và phòng thực hành chuẩn công nghiệp. Đây không chỉ là điều kiện để sinh viên làm quen với công nghệ và quy trình sản xuất thực tế, mà còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
Thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng vừa giỏi lý thuyết vừa vững thực tiễn. Nhà trường cần tạo điều kiện để giảng viên tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, đồng thời khuyến khích họ trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp để cập nhật công nghệ mới và nắm bắt xu hướng sản xuất.
Thứ năm, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho sinh viên. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện hay quản lý thời gian sẽ giúp sinh viên thích ứng tốt hơn trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức quốc tế và làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Trong khi đó, Trưởng khoa Khoa Công nghệ may – Thời trang, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trước sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Công nghệ dệt, may trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, nhà trường đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Nhà trường hiện sở hữu đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn và nhiệt huyết với nghề. Nhiều thầy cô từng giữ vai trò cố vấn, chuyên gia trong các dự án hợp tác với doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may. Nhờ đó, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu mà còn được dẫn dắt, cập nhật những xu hướng và công nghệ mới nhất của ngành. Đây là lợi thế lớn giúp người học nhanh chóng thích nghi với yêu cầu thực tế sau khi ra trường.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi học thực hành. Ảnh: website nhà trường.
Về cơ sở vật chất, nhà trường đã đầu tư phòng thí nghiệm vật liệu hiện đại, hệ thống máy móc và thiết bị dệt may tiên tiến như máy quét cơ thể người 3D, các loại máy chuyên dụng, máy may hiện đại và máy tính cấu hình cao hỗ trợ phần mềm thiết kế mẫu, fit mẫu. Đặc biệt, máy quét 3D cho phép sinh viên tạo ra các sản phẩm thực tế với số đo chính xác từ dữ liệu quét.
Giảng viên tại trường luôn chú trọng ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, nhằm tạo cơ hội cho sinh viên thực hành thiết kế nhiều hơn trên máy tính. Các em được hướng dẫn tạo ra các mô hình ảo, giúp dễ dàng hình dung sản phẩm khi hoàn thiện. Phương pháp này không chỉ nâng cao kỹ năng thiết kế mà còn giúp sinh viên hiểu rõ quy trình sản xuất, từ đó cải thiện khả năng làm việc và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi ra trường.