Tour ngắm cá voi ở biển Đề Gi xuất hiện tràn lan, lo ngại cá voi 'biến mất'

Sự xuất hiện thường xuyên của cá voi tại biển Đề Gi (Bình Định) đang thu hút rất đông khách du lịch, khiến nhiều đơn vị, cá nhất đồng loạt giới thiệu tour ngắm cá voi tự phát.

Tour ngắm cá voi ở Đề Gi xuất hiện tràn lan

Từ cuối tháng 7 đến nay, cá voi liên tục xuất hiện gần cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) và khu vực Vũng Bồi, Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (Bình Định). Sự xuất hiện của loài cá đặc biệt này đã thu hút du khách thập phương, giới nhiếp ảnh và nhiều chuyên gia khoa học.

Theo thông tin từ UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, trong khoảng 10 ngày qua, lượng du khách tìm tới khu vực biển Đề Gi để chiêm ngưỡng cá voi xanh tăng đột biến. Tại địa phương này, nhiều tàu thuyền vốn dùng để đánh cá nay được người dân sử dụng để chuyên chở du khách đi ngắm cá voi. Mức chi phí cho mỗi chuyến tàu dao động khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng.

Những bộ ảnh, video về mẹ con cá voi ở Đề Gi nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Nhiều đơn vị lữ hành, hay các cá nhân làm du lịch đồng loạt tung quảng cáo về tour xem cá voi trên biển Đề Gi. Tuy nhiên không ít trong số đó là các tour du lịch tự phát.

Sự xuất hiện của cá voi thu hút du khách tới Đề Gi (Ảnh: CBES)

Sự xuất hiện của cá voi thu hút du khách tới Đề Gi (Ảnh: CBES)

Chị Hà Diệu Anh (Đồng Nai) cùng gia đình lái xe ra Bình Định vào cuối tuần qua. Trước đó, chị có xem một bài quảng cáo về tour xem cá voi với mức chi phí 650.000 đồng/người, trong đó bao gồm chi phí cano đưa khách ra xem cá voi, phục vụ bữa trưa.

"Mình thấy bài có lượng tương tác lớn và người đăng cũng làm tour du lịch nên đăng kí cho cả gia đình. Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ thì mình biết, người này chỉ kết nối, liên kết với các chủ tàu. Trên tàu có 8 du khách, 1 lái tàu, 1 phụ lái, không có hướng dẫn viên. Bản thân hai người lái tàu và phụ tàu cũng không có kiến thức nhiều về du lịch để giới thiệu cho khách", chị Diệu Anh cho biết. "Cuối cùng mình lại lên mạng đọc thông tin để tự giới thiệu cho các con", chị nói.

Gia đình chị Diệu Anh khá bức xúc trước tour du lịch "treo đầu dê, bán thịt chó" như trên. "Thật may người lái tàu, phụ tàu là người địa phương rất thân thiện. Tuy không giỏi làm du lịch, nhưng họ chân thật, rất quý trọng cá voi. Họ luôn nhắc nhở khách không vứt rác bừa bãi, không nên đưa tàu vào sát cá voi...", chị Diệu Anh cho biết.

Trên mạng xã hội, nhiều người lo lắng, việc xuất hiện các tour xem cá voi tự phát tràn lan có thể làm hại mẹ con cá voi tại Đề Gi.

Du khách, nhiếp ảnh gia tới chiêm ngưỡng cá voi ở Đề Gi (Ảnh: Ngô Trần Hải An)

Du khách, nhiếp ảnh gia tới chiêm ngưỡng cá voi ở Đề Gi (Ảnh: Ngô Trần Hải An)

Nhiếp ảnh gia, travel blogger Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử) - chủ nhân bộ ảnh cá voi tại Đề Gi gây sốt trên mạng xã hội cho biết: "Dù tới ngắm hay chụp ảnh cá voi, chúng ta đều nên giữ khoảng cách an toàn. Tàu, thuyền nên đậu xa để giảm tiếng ồn khiến cá voi hoảng loạn hoặc tránh đâm trúng chúng".

Anh Đỗ Thanh Toàn (Toàn Tommy, 37 tuổi, hướng dẫn viên du lịch), một trong những người đầu tiên phát hiện và chia sẻ hình ảnh cá voi tại Đề Gi đã từ chối nhận các tour xem cá voi từ nửa tháng trước. Anh Toàn chia sẻ: "Thời gian đầu khi thấy đàn cá voi 6,7 con xuất hiện, tôi muốn lan tỏa hình ảnh đẹp này tới cộng đồng. Tôi cũng đã đưa một số du khách đi tour tới xem cá voi. Thế nhưng, khi thấy chỉ còn hai mẹ con cá voi, tôi e ngại việc quá đông tàu thuyền tới sẽ khiến cá voi hoảng sợ, ảnh hưởng tới sự an toàn, cuộc sống của chúng", anh Toàn cho biết.

Theo anh Toàn, các hoạt động du lịch xem cá voi hiện nay chủ yếu là hoạt động tự phát. Do đó, bản thân người dân địa phương và du khách nên tự có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cá voi. "Bản thân tôi là người dân Đề Gi và cũng gắn bó với công việc làm du lịch. Tôi mong muốn làm du lịch bền vững, bảo tồn thiên nhiên chứ không vì kinh tế mà đánh đổi", anh Toàn bày tỏ.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng

Thời gian qua, chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES) tiến hành khảo sát thực tế tại khu vực biển Đề Gi để kiểm tra thông tin về cá voi. Các chuyên gia CBSE xác nhận, cá voi xuất hiện ở biển Đề Gi thời gian qua là loài cá voi Bryde. Loài này được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công ước CITES - cấm buôn bán, vận chuyển quốc tế; Công ước về bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS; thuộc bậc VU (có nguy cơ) theo Quyết định 82/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Theo các nhà khoa học trong nhóm khảo sát của CBES, qua 4 ngày thực địa tại vùng biển Đề Gi, đoàn công tác đã ghi nhận hàng trăm lượt khách du lịch tự phát đến ngắm cá voi. "Nếu được quản lý, bảo vệ tốt, việc cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi sẽ mang lại nguồn lợi không nhỏ từ hoạt động du lịch cho cộng đồng địa phương. Trái lại, nếu thiếu các biện pháp quản lý, lượng khách quá đông có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả cá voi và khách tham quan. Dù cá voi bryde là động vật hoang dã có bản tính hiền lành nhưng chúng vẫn có bản năng tự vệ nhất định nếu bị khiêu khích hoặc tấn công. Ở các cá thể cá voi cái đang nuôi con nhỏ, bản năng này càng mạnh" - các nhà khoa học khuyến cáo.

(Ảnh: Ngô Trần Hải An)

(Ảnh: Ngô Trần Hải An)

Theo các nhà khoa học của CBES, cá voi Bryde sử dụng hạ âm (âm thanh có tần số dưới 20Hz) để giao tiếp. Tiếng động cơ tàu có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của cá voi, khiến chúng căng thẳng. Nếu vấn đề tiếp diễn lâu dài, cá voi mẹ và cá voi con có thể bỏ đi khu vực khác hoặc mạo hiểm đi vào các sinh cảnh không phù hợp với chúng để tránh xa các hoạt động của con người. Trường hợp xấu nhất chúng có thể bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng. Bên cạnh đó, việc quá nhiều tàu chở khách (đặc biệt là các ca-nô cao tốc) thường xuyên di chuyển tại khu vực cá voi kiếm ăn có thể dẫn đến va chạm giữa tàu và cá voi. Các va chạm này thường để lại thương tật vĩnh viễn cho cá voi, hoặc có dẫn đến cái chết.

Nhóm nghiên cứu hiện chưa ghi nhận các trường hợp gây hại cho cá voi trên biển Đề Gi, tuy nhiên vẫn khuyến cáo cơ quan chức năng nhanh chóng bó biện pháp quản lý, bảo tồn loài động vật biển quý hiếm này.

Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, sau khi đàn cá voi liên tục xuất hiện ở vùng biển Đề Gi, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã đề nghị các tàu thuyền, dịch vụ du lịch ngắm cá voi phải bảo đảm giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 100 m để không làm hại đến cá. Đồng thời, các tàu thuyền khi di chuyển trên các khu vực cá voi săn mồi cần chú ý quan sát để không đâm hoặc va vào cá voi.

Ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này đã có những hoạt động truyền thông quảng bà hình ảnh cá voi trên biển Đề Gi để qua đó giới thiệu du lịch biển của tỉnh. Tuy nhiên, Sở Du lịch cũng phối hợp các ban ngành, địa phương tuyên truyền đến du khách về việc bảo vệ cá voi, bảo vệ môi trường. Sở này cũng sẽ có phương án khảo sát, kiểm tra các tour du lịch xem cá voi.

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tour-ngam-ca-voi-o-bien-de-gi-xuat-hien-tran-lan-2052386.html