TP Bắc Giang: Đặc sắc lễ hội đền Tiên La

Vào dịp đầu xuân, người dân thôn Tiên La, xã Đức Giang (TP Bắc Giang) lại náo nức chuẩn bị tham gia hội làng - lễ hội đền thờ Vua Trần Minh Tông. Năm nay, bà con thêm vui mừng, tự hào khi lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đậm sắc màu văn hóa truyền thống

Lễ hội đền thờ Đức vua Trần Minh Tông (còn gọi là lễ hội đền Tiên La được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Hai (âm lịch) hằng năm, tưởng nhớ vị vua nhà Trần có lòng hiếu thảo, nhân hậu, biết trọng dụng người hiền tài.

 Lễ rước nước tại lễ hội đền Tiên La. Ảnh: CTV .

Lễ rước nước tại lễ hội đền Tiên La. Ảnh: CTV .

Ông Đào Công Xứng, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn cho biết: Truyền thuyết kể rằng, Thái thượng hoàng Trần Anh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Minh Tông để tới chùa Vĩnh Nghiêm, thuộc xã Trí Yên (TP Bắc Giang) - chốn Tổ thiền phái Trúc Lâm học đạo. Mỗi khi đến thăm cha, Vua Trần Minh Tông thường đi qua bến đò Lá (thuộc thôn Tiên La ngày nay). Yêu mến vùng đất này, Vua sai quân đắp đê chống lụt cho dân, cấp ruộng cho người lái đò để bà con không phải trả tiền đò mỗi khi qua sông. Sau khi Vua mất, nhân dân lập đền thờ Ngài bên bến đò xưa và tổ chức lễ hội để tri ân công đức. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lễ hội không được tổ chức nhưng việc hương khói thờ phụng vẫn được nhân dân địa phương thực hiện thường xuyên. Đến những năm 90 của thế kỷ XX, lễ hội được cộng đồng khôi phục, duy trì.

Theo bà Đỗ Thị Phương, Bí thư Chi bộ thôn Tiên La, những năm gần đây, lễ hội được tổ chức với các nghi lễ truyền thống đặc sắc, trong đó có lễ rước nước. Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu đặt bát hương, chiếc bình sứ thắt nơ đỏ, một chiếc gáo múc nước bằng đồng, cán tre màu đỏ; lọ hoa cùng mâm ngũ quả. Đoàn rước từ đền đi quanh làng đến bến đò Tiên La. Các chủ tế, quan viên tế, phường bát âm, đội rước kiệu long đình và một số bô lão lên thuyền di chuyển đến giữa sông thì thả neo để làm lễ xin phép thần linh được lấy nước về cúng thánh. Chủ tế thả một vòng tròn quấn vải (hoặc giấy) màu đỏ để xác định vị trí, lấy nước trong vòng tròn đổ vào bình và đậy lại bằng một tấm vải đỏ với mong muốn giữ lại may mắn. Đoàn rước trở về đền làm lễ tế, bình nước được đặt tại đây suốt cả năm.

Lễ hội đền Tiên La được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Hai (âm lịch) hằng năm nhằm tưởng nhớ Vua Trần Minh Tông. Tại lễ hội có nghi lễ rước nước, tái hiện tục giã bánh dày, các trò chơi dân gian độc đáo. Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận lễ hội đền Tiên La là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại đền diễn ra lễ dâng hương, lễ vật của các dòng họ, đại diện các ngõ xóm. Trước đó, người dân cùng giã bánh dày để dâng Vua. Các bà, các chị chọn loại gạo nếp đều hạt, mẩy tròn ngâm và đồ xôi rồi cho vào cối giã nhuyễn để nặn bánh, đặt vào đĩa có lót lá chuối tươi rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa cho dậy mùi thơm. Trong ngày hội còn có các trò chơi dân gian như: Bắt vịt trên cạn, cờ người, vật truyền thống, đánh đu, đập niêu đất, kéo co thu hút đông đảo nhân dân tham gia tạo không khí vui tươi, rộn rã nơi làng quê.

Cùng với giá trị tín ngưỡng, đền thờ Vua Trần Minh Tông được xây dựng từ thế kỷ XIV là công trình kiến trúc độc đáo, còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Tượng đức vua được tạo tác thời Lê, hệ thống bia đá, sắc phong cổ thời Nguyễn, bình hương đá… Công trình đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cách đây hơn 20 năm. Lễ hội là dịp người dân địa phương bày tỏ lòng biết ơn đối với Vua Trần Minh Tông đồng thời phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, góp phần gắn kết cộng đồng làng xã. Bà con cùng chung niềm tin, cúng thần linh cầu mong sức khỏe, hạnh phúc và bình an. Ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận lễ hội đền Tiên La là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Phát huy giá trị di sản

Theo ban lãnh đạo thôn, năm nay, lễ hội đền Tiên La sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn nhân dịp đón Bằng chứng nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cuối năm 2024, thôn đã hoàn thành tôn tạo khu quần thể di tích đền, đình, chùa với việc nâng cấp một số hạng mục, lát khuôn viên sạch đẹp với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các thành viên đội tế lễ đã tập trung để tập luyện nghi lễ; lau dọn bàn thờ, đồ tế; kiểm tra, chỉnh trang kiệu, cờ. Các ngõ xóm cử người tham gia dọn dẹp vệ sinh, trang trí nơi thờ tự; cắm cờ hội trên đường dẫn vào đền và đoạn đường rước ra bến đò.

 Ngôi đền thờ Đức vua Trần Minh Tông - nơi diễn ra lễ hội.

Ngôi đền thờ Đức vua Trần Minh Tông - nơi diễn ra lễ hội.

Bà Nguyễn Thị Giang, 45 tuổi, người dân trong thôn chia sẻ: “Lễ hội đền có nhiều nét đặc sắc và ý nghĩa tốt đẹp nên năm nào mọi người trong gia đình tôi cũng tham gia. Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm khôi phục nhiều trò chơi dân gian đồng thời tiếp tục tôn tạo, mở rộng không gian di tích để hoạt động của lễ hội được thuận lợi”.

Thông tin từ UBND xã Đức Giang, năm nay, UBND xã chủ trì tổ chức lễ hội đền Tiên La. Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Bắc Giang, xã đã xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể cho từng tập thể, cá nhân, nhất là các hội, đoàn thể đảm nhiệm phụ trách phần lễ tế, công tác hậu cần, tổ chức trò chơi dân gian để bảo đảm an toàn, ý nghĩa, giữ bản sắc truyền thống.

Ông Vũ Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết: Để phát huy giá trị di sản, những năm tới, xã tiếp tục hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội ngày càng bài bản và mở rộng quy mô; tăng sức hấp dẫn với việc khôi phục nét văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian. Địa phương tăng cường quảng bá về nguồn gốc lịch sử, giá trị, ý nghĩa của di sản; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu ghi chép về Đức vua Trần Minh Tông và di sản.

Biên soạn tài liệu phục vụ trao truyền kiến thức, kỹ năng thực hành tổ chức các nghi lễ rước nước, lễ tế, tục giã bánh dày dâng Vua, chế biến các món ăn là đặc sản của địa phương. Đồng thời lồng ghép vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Quan tâm tôn tạo, gìn giữ cảnh quan, không gian, môi trường di tích; sáng tạo các dịch vụ mới, hấp dẫn phục vụ lễ hội, xây dựng di tích trở thành điểm tham quan thu hút du khách.

Vi Lệ Thanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tp-bac-giang-dac-sac-le-hoi-den-tien-la-postid412299.bbg