Tp.Cần Thơ có thêm một chi nhánh Trung tâm trọng tài thương mại
Địa phương trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có thêm một chi nhánh Trung tâm trọng tài thương mại.
Ngày 5/10, Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế APEC VN đã ra mắt chi nhánh tại Tp.Cần Thơ, góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long có thêm một tổ chức giải quyết tranh chấp.
Nước ta ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng bằng các hiệp định thương mại tự do song phương thì không tránh khỏi phát sinh các tranh chấp, không chỉ giữa các chủ thể giao kết hợp đồng kinh doanh thương mại trong và ngoài nước, mà còn có những tranh chấp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Khi đó, doanh nghiệp thường tìm đến các cơ quan, tổ chức có chức năng giải quyết tranh chấp để giải quyết một cách có hiệu quả, nhanh gọn, tránh những tổn thất quá lớn cho doanh nghiệp và trọng tài thương mại là một cơ chế giải quyết tranh chấp có nhiều ưu thế.
Hiện nay, trọng tài thương mại mang tính toàn cầu và là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, nhất là ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển.
Theo TS. Trần Vang Phủ, Phó Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế APEC VN chi nhánh Tp.Cần Thơ, để tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trong khi đó, Trọng tài viên Nguyễn Ngô Quang Nhật - Giám đốc chi nhánh Long An của Trung tâm này cho rằng, trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp có nhiều ưu điểm. Trong đó, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chỉ có một cấp xét xử, thủ tục tố tụng trọng tài nhanh gọn, linh hoạt. Quyết định của trọng tài là chung thẩm.
Cùng với đó, phán quyết trọng tài có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên và cũng được bảo đảm thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự như đối với bản án của tòa án.
Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Các hình thức thỏa thuận trọng tài theo quy định tại khoản 2 điều 16 Luật trọng tài thương mại.
Dựa trên nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
“Ðây là ưu điểm nổi bật của hình thức giải quyết bằng con đường trọng tài thương mại vì các bên vẫn có thể thực hiện giao dịch mà không bị lộ thông tin, cũng như bí mật kinh doanh ra ngoài, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”, ông Nhật chỉ ra.