TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 9-7
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định giãn cách xã hội toàn địa bàn TP theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0 giờ ngày 9-7, thời gian áp dụng là 15 ngày.
18 giờ 35 phút hôm nay (7-7), Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định giãn cách xã hội đối với toàn địa bàn TP.HCM theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, từ 0 giờ ngày 9-7, thời gian áp dụng trong 15 ngày.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh cần coi việc chống dịch như một cuộc chiến, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều tối 7-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, nhận định TP đang trải qua cuộc chiến thật sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để phòng chống dịch. Do đó, TP.HCM phải nâng cao các biện pháp phòng chống dịch.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, dù số ca nhiễm COVID-19 tại TP đang tăng nhanh nhưng TP đã chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống. Ông khẳng định đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng nên người dân không cần mua tích trữ, không tập trung đông người.
Ông cũng mong muốn người dân hãy bình tĩnh, tin tưởng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của TP, chung sức chung lòng cùng chính quyền TP trong 15 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. “Nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thì hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được đẩy lùi” – ông Phong nói.
Như PLO đã thông tin, từ ngày 27-5 đến nay, TP.HCM đã 4 lần thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng chống dịch COVID-19. Ngày 31-5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12).
Ngày 14-6, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách đầu tiên nhưng số ca nhiễm không giảm.
Từ ngày 15-6, TP.HCM tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố.
Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng, chính vì thế ngày 20-6, TP.HCM đã ban hành riêng Chỉ thị 10 với yêu cầu giãn cách 1,5 m; không tập trung quá 3 người nơi công cộng; tạm dừng chợ tự phát...
Trước đó, từ 0h ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 15 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 giãn cách theo chỉ thị 16.
Đến ngày 14-6, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục chỉ đạo giãn cách xã hội toàn địa bàn TP.HCM theo chỉ thị 15 thêm hai tuần. tiếp đến, ngày 19-6, UBND TP.HCM ban hành chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo về tình hình phòng chống dịch COVID-19 vào tối 28-6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau ngày 30-6. “Chỉ thị 10 không có thời hạn thực hiện. Sau ngày 30-6, TP vẫn áp dụng phương án này” - ông Đức nói.
Chỉ thị 10 của UBND TP được ban hành hôm 19-6 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Trong đó có các giải pháp mạnh như dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.
Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.
Trước đó, lần đầu tiên TP.HCM có quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng trên toàn địa bàn thành phố và áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) từ 0 giờ ngày 31-5.
Nhưng do mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, TP.HCM đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng thêm hai tuần, kể từ ngày 15-6.
Đến tối 19-6, UBND TP ban hành Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM; tạm ngưng các chợ tự phát, dừng vận chuyển hành khách công cộng...
TP.HCM cũng quyết định thiết lập vùng phong tỏa tại Khu phố 2 (phường 16, quận 8); một phần ấp Hậu Lân thuộc xã Bà Điểm và một phần khu phố 1, 2, 5, 6, 7 thuộc thị trấn Hóc Môn; ấp Tân Thới 2, ấp Tân Thới 3 và một phần ấp Thới Tây 1 thuộc xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn); khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc (quận Bình Tân).
Nội dung cơ bản của Chỉ thị 16
Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác;
Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.