TP.HCM bàn cách xử lý những bãi chôn lấp rác đóng cửa nhiều năm
Ông Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tiếp doanh nghiệp nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm, tạo quỹ đất phát triển đô thị.
Ngày 10/8, tại buổi tiếp doanh nghiệp để nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị, lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện nay ở thành phố có nhiều bãi rác với hàng nghìn tấn rác chôn lấp nhưng chưa được xử lý và cũng chưa đưa vào nhiệm vụ xử lý để tránh ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Trong khi đó, đất các bãi rác này nếu xử lý tốt có thể sử dụng để phát triển công viên, cây xanh.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng, để khai thác thì các bãi rác phải đảm bảo đủ thời gian tối thiểu sau khi đã chôn lấp.
Hiện nay, ở thành phố có 2 bãi rác chôn lấp lớn, đóng cửa trên 10 năm là bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân, rộng 25 ha) và bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, rộng 40 ha) đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo bãi rác để sử dụng quỹ đất đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề môi trường của thành phố là vấn đề được người dân, các nhà đầu tư rất quan tâm. Vì vậy, thành phố luôn lắng nghe ý kiến sáng kiến của doanh nghiệp để bàn cách và có cơ chế thúc đẩy vấn đề này.
“Tinh thần là TP.HCM không thể bế tắc, có vấn đề khó khăn kéo dài nhưng nếu lãnh đạo quyết tâm lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, nếu cần thì đi nước ngoài tham khảo để tìm ra các giải pháp cho các khó khăn của thành phố”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Theo Bí thư Nhân, Thường trực UBND thành phố nhiều năm qua thực hiện chỉ đạo và báo cáo HĐND thành phố chuyển xử lý rác từ chôn lấp chủ yếu sang biến rác thành điện là chính đối với các dự án môi trường ở thành phố.
Vừa qua, UBND thành phố cũng có văn bản chỉ đạo phấn đấu trong tháng 9, 10/2019 sẽ khởi công 2 nhà máy biến rác thành điện với mỗi bãi rác công suất 2.000 tấn.
“Mỗi ngày thành phố thải ra 9.000 tấn rác và với việc hình thành mỗi nhà máy xử lý 2.000 tấn rác này thì đến năm 2025 có thể xử lý 70% - 80%, biến rác thành điện. Như vậy, rác thải sinh hoạt hàng ngày sẽ cơ bản được xử lý”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định.