TP.HCM: Bán đất, vay nợ trái phiếu... huy động trăm nghìn tỷ làm metro

UBND TP. HCM vừa có tờ trình đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. HCM, với mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km.

10 năm tới cần 35 tỷ USD làm metro

Theo đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km từ Depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1) dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác thương mại cuối năm nay.

Sau đó, từ ga Bến Thành, TP. HCM sẽ kéo dài tuyến Metro số 1 về An Hạ (huyện Bình Chánh) thêm khoảng 20,8km, nâng tổng chiều dài tuyến Metro số 1 lên 40,8 km.

Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km từ ga Bến Thành (quận 1) đi Depot Tham Lương (quận 12) đang được giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Dự án đặt mục tiêu khởi công cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2030.

Metro số 2 sau đó sẽ được đầu tư thêm hai đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe An Sương dài khoảng 9,1 km, nâng tổng chiều dài Metro số 2 lên khoảng 20,2 km.

Cùng với kéo dài Metro số 1 và 2, đến năm 2035, TP. HCM sẽ đầu tư hoàn thành thêm 4 tuyến metro khác.

Tuyến số 3 từ Hiệp Bình Phước - Vòng xoay Dân Chủ - Tân Kiên - An Hạ, dài 29,5 km.

Tuyến số 4 từ depot Đông Thạnh - Bến Thành - Ga Bà Chiêm (Vành đai 3), dài 36,8 km.

Tuyến số 5 từ Ga Võ Chí Công (Vành đai 2) - Bảy Hiền - Depot Đa Phước, chiều dài 32,5 km.

Tuyến số 6 từ Bà Quẹo - Sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Triệu - Phú Hữu, chiều dài 22,8 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn từ nay đến năm 2035 (chưa tính vốn đầu tư Metro số 1) là khoảng 837.000 tỷ đồng (tương đương 34,9 tỷ USD).

Bán đất, vay nợ trái phiếu... vẫn chưa đủ

Theo đề án, một trong những nguồn vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động từ việc đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách tại các khu đất dự kiến phát triển TOD (Transit - Oriented Development).

Qua rà soát, TP. HCM hiện có 22 khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với diện tích hơn 290 ha nằm xung quanh tuyến Metro 1 và số 2 có thể phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

Ngoài ra, còn có tổng cộng 357 ha đất nằm dọc các tuyến Metro số 3, 4, 5 do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.

Như vậy, tính cả đất do Nhà nước quản lý và đất do người dân sử dụng là 647 ha. Dự tính sau khi đấu giá đất và trừ đi các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, ngân sách TP. HCM sẽ có khoảng 5 tỷ USD để đầu tư cho xây dựng các tuyến metro.

Ngoài khoản thu từ TOD, TP. HCM dự kiến huy động từ nguồn vốn vay, thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP. HCM vay lại.

TP. HCM dự kiến huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho giai đoạn từ 2025 - 2035 khoảng 155.000 tỷ đồng.

Ngân sách thành phố trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 cũng ưu tiên bố trí vốn đầu tư metro với khoảng 206.500 tỷ đồng.

Dự kiến giai đoạn 2026- 2030, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 176.665 tỷ đồng.

Ngoài ra, nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách... cũng sẽ giúp TP. HCM có thêm vốn để thực hiện cuộc đột phá về xây dựng, phát triển mạng lưới metro.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tphcm-ban-dat-vay-no-trai-phieu-tram-nghin-ty-lam-metro-d112817.html