TP.HCM bước vào giai đoạn 'tăng tốc' xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế

TP.HCM đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế sau hơn 20 năm chuẩn bị. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 là bước ngoặt quan trọng, giúp thành phố chuyển từ khâu chuẩn bị sang triển khai thực tế.

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 ngày 27/6/2025, chính thức có hiệu lực từ 1/9/2025, hành trình hơn hai thập kỷ ấp ủ xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam đã có được nền tảng pháp lý quan trọng. TP.HCM, nơi được lựa chọn làm “đầu tàu” triển khai, đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành điểm đến tài chính tầm cỡ khu vực.

Ý tưởng hình thành TTTCQT tại TP.HCM đã được đặt ra từ đầu những năm 2000, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế đô thị, trong đó tài chính được định vị là lĩnh vực chủ lực. Trên tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP.HCM đã đóng vai trò chủ động, đồng hành cùng các bộ, ngành trong quá trình xây dựng đề án và hồ sơ trình Quốc hội, nhằm tạo hành lang pháp lý nền tảng cho mô hình TTTCQT.

Trong các năm 2021 - 2022, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế để lấy ý kiến chuyên gia, xây dựng chính sách đặc thù cho trung tâm tài chính. Đến năm 2025, hoạt động này được đẩy mạnh với hàng loạt sự kiện chuyên đề như: hội nghị về xây dựng TTTC tại Việt Nam (tháng 3), hội thảo phát triển không gian và đào tạo nguồn nhân lực (tháng 4), hội thảo về tiền kỹ thuật số trong bối cảnh sandbox, và hội thảo quốc tế về thị trường vốn cho các nền kinh tế mới nổi.

Đặc biệt, lãnh đạo TP.HCM còn tham gia các diễn đàn kinh tế toàn cầu như WEF 2025 tại Davos (Thụy Sĩ) và Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới tại UAE, đồng thời đến học hỏi và kết nối tại các trung tâm tài chính lớn như Anh, Đức, Luxembourg… nhằm tiếp cận xu thế phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế.

TP.HCM bước vào giai đoạn “tăng tốc” xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Tống Trần Sơn

TP.HCM bước vào giai đoạn “tăng tốc” xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: Tống Trần Sơn

Với tinh thần chủ động và quyết liệt, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Ban này sẽ đóng vai trò điều phối, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ từ quy hoạch, xây dựng hạ tầng đến đề xuất chính sách và tổ chức bộ máy vận hành trung tâm trong tương lai.

5 hướng triển khai trọng tâm từ nay đến cuối năm 2025

1. Cụ thể hóa chính sách bằng hệ thống nghị định: TP.HCM đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Chính phủ ban hành 8 nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị quyết 222, nhằm đảm bảo đầy đủ khung pháp lý cho TTTCQT.

2. Xác định “khu lõi” trung tâm tài chính: Thành phố đã khoanh vùng hai địa điểm chiến lược - Quận 1 và khu Thủ Thiêm cũ (TP.Thủ Đức) - để hình thành khu vực trọng điểm phát triển TTTC, nhờ vị trí trung tâm, kết nối thuận lợi và khả năng tích hợp dịch vụ cao.

3. Phát triển hạ tầng hiện đại: Việc huy động nguồn vốn đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật sẽ được ưu tiên, nhằm xây dựng môi trường làm việc hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế cho doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.

4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: TP.HCM đang triển khai Đề án phát triển nhân lực chuyên sâu cho TTTC, từ việc thiết kế mô hình cơ quan điều hành đến cơ chế tuyển chọn nhân sự và chính sách thu hút chuyên gia, đặc biệt là người Việt ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm thực tiễn.

5. Mở rộng hợp tác đào tạo trong và ngoài nước: Các chương trình đào tạo bồi dưỡng được tổ chức tại các cơ sở như Đại học Việt Đức, Trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải, Anh Quốc, đồng thời hợp tác với FSDC Hồng Kông và đang xúc tiến kết nối với Trung tâm tài chính Astana (Kazakhstan). Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhân lực am hiểu chuyên môn, đủ sức quản lý và vận hành một TTTCQT quy mô lớn.

Từ nền tảng pháp lý đến hành động cụ thể, TP.HCM đang hội tụ đủ điều kiện để bứt phá, vươn mình trở thành trung tâm tài chính quốc tế, nơi kết nối dòng vốn, công nghệ và trí tuệ toàn cầu, đóng vai trò động lực phát triển mới cho Việt Nam trong giai đoạn hội nhập sâu rộng.

Hà Sang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/tphcm-buoc-vao-giai-doan-tang-toc-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-c2a100423.html