TP.HCM cải thiện điểm yếu để đón 'làn sóng' FDI thứ ba
Theo Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030, TP.HCM không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Dự án ít, nhưng chất lượng
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến TP.HCM tìm cơ hội đầu tư vào đầu năm 2024 đều chú ý đến Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030 được UBND Thành phố phê duyệt vào những ngày cuối năm 2023. Đề án là những tiền đề đầu tiên để đối chiếu xem dự án của nhà đầu tư có phù hợp với định hướng thu hút của Thành phố hay không.
So với đề án trước đây, đề án lần này của TP.HCM có rất nhiều thay đổi, với các mục tiêu và con số rõ ràng hơn. Trong đó, Thành phố đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng vốn FDI cả Thành phố lên hơn 70% giai đoạn 2023 - 2025 và 75% giai đoạn 2026 - 2030.
Mục tiêu đến năm 2030, tăng 40 - 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại TP.HCM. Về số lượng, phấn đấu đến năm 2025, thu hút được hơn 50 dự án công nghệ cao, trong đó có ít nhất 1 tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn của thế giới với tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD.
Đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, TP.HCM đưa ra lộ trình trong ngắn và trung hạn ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin; cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm; công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Đặc biệt, Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút và cơ chế sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Về dài hạn, Thành phố thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Ưu tiên những dự án đầu tư có công nghệ cao, bảo đảm tiêu chuẩn về môi trường, thu hút lao động có kỹ năng của các công ty đa quốc gia lớn gắn với yêu cầu phải chuyển giao tri thức, công nghệ và quản trị; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Việc thu hút đầu tư các dự án mới phải hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, tạo nguồn thu cho địa phương với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa. Đặc biệt, Thành phố không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Dĩ nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, TP.HCM cũng đưa ra các giải pháp đi kèm như đầu tư hạ tầng và xây dựng thêm các khu công nghiệp mới. Đi kèm với đó là việc hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế chính sách về thu hút đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư hướng vào các tập đoàn đa quốc gia; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư...
Cải thiện điểm yếu để đón “làn sóng” đầu tư thứ ba
Nhìn lại quá trình thu hút đầu tư của TP.HCM thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, Thành phố đã trải qua 2 làn sóng đầu tư, với nhiều giải pháp thu hút đầu tư đột phá và mang lại hiệu quả lớn. Trong mỗi làn sóng đầu tư, Thành phố đã chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư, tập trung thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và đã trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Nidec Sankyo...
Ông Hòa kỳ vọng, Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút FDI giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn 2030 sẽ tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba để có được những bước phát triển đột phá mới cho đầu tàu TP.HCM.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn Marvell cho rằng, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, các công ty bán dẫn Hoa Kỳ đang đổ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và TP.HCM thu hút các ngành công nghệ cao. Dù vậy, theo ông, Việt Nam cần có các chính sách ưu đãi phù hợp và cải thiện các vấn đề còn tồn tại như thủ tục đầu tư, hạ tầng và đặc biệt phải đáp ứng được chất lượng về nhân sự thiết kế vi mạch thì mới thu hút được nhà đầu tư.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-cai-thien-diem-yeu-de-don-lan-song-fdi-thu-ba-d209359.html