TP.HCM: Cân nhắc phương án thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên 'Sài Gòn'

Sở Nội vụ đề nghị UBND Quận 1 cân nhắc phương án thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên 'Sài Gòn' và UBND Quận 5 xem xét đặt tên 'Chợ Lớn' cho một đơn vị mới.

Chiều 15/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 lần thứ 39 (hội nghị chuyên đề).

Trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, qua theo dõi thì thấy TP.HCM sắp xếp hệ thống xã phường mới rất tốt. TP đặt tên các địa danh, tên cũ có ý nghĩa, là hướng đi đúng. Trung ương theo dõi rất sát tình hình TP đang triển khai và từng bước xem xét đang thực hiện như thế nào.

Bước đầu, Trung ương đánh giá việc làm của TP.HCM là đúng hướng, nhất là đã giữ lại được những tên gọi đã đi vào thơ ca lịch sử, văn hóa truyền thống, ví dụ như Bà Điểm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu

Tuy nhiên, việc đặt tên cũng có nhiều ý kiến phản biện.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đây là việc bình thường và hiện vẫn đang còn một bước nữa là tiếp tục lắng nghe để điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Nên dẫn, ví dụ như huyện Bình Chánh có cần thiết phải tồn tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hay không.

"Ở trên đánh giá không phải là đánh giá cái tên đẹp hay xấu nhưng đánh giá là trách nhiệm, nhận thức, tầm quan trọng, ý nghĩa. Các đồng chí nghĩ đi, một gia đình đặt tên một người ra đời đã khó rồi. Mình đặt tên xã đâu phải chuyện đơn giản mà mình hời hợt, đặt đơn giản", ông Nguyễn Văn Nên cho biết.

Ông Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc

Ông Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc

Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, UBND 16 quận và UBND 5 huyện về triển khai xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính phường, xã.

Trong đó, Sở Nội vụ cho biết, hiện nay xuất hiện một số trường hợp trùng tên cần được xem xét, điều chỉnh.

Cụ thể như phường Phú Định đang cùng tồn tại ở Quận 6 và Quận 8; phường Tân Phú trùng tên tại Quận 7 và quận Tân Phú. Đồng thời, phường Phú Mỹ của Quận 7 cũng trùng với tên đơn vị hành chính cấp xã mới đang được dự kiến thành lập tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, Sở Nội vụ đề nghị UBND Quận 1 cân nhắc phương án thành lập một đơn vị hành chính mới mang tên "Sài Gòn" và UBND Quận 5 xem xét đặt tên "Chợ Lớn" cho một đơn vị mới.

Tại quận Tân Bình và huyện Củ Chi, chính quyền địa phương được khuyến khích lựa chọn tên gọi mới gắn với yếu tố lịch sử, truyền thống và văn hóa đặc trưng của khu vực; ưu tiên sử dụng lại tên của các xã, thị trấn hiện hữu trước khi sắp xếp.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đối với các đề xuất sử dụng tên nhân vật lịch sử như phường Võ Thị Sáu, phường Lê Văn Sĩ (Quận 3) và phường Nguyễn Tri Phương (Quận 10), Sở Nội vụ đề nghị các địa phương thận trọng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định chính thức, nhằm đảm bảo sự đồng thuận và tính phù hợp trong đặt tên hành chính.

Theo Sở Nội vụ, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp cần đảm bảo dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, mang tính hệ thống, khoa học, và phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương. Đồng thời, tên gọi cần nhận được sự đồng thuận của người dân trên địa bàn…

Tên gọi mới không được trùng với tên hiện có của bất kỳ đơn vị hành chính cùng cấp nào trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm cả những địa phương đang trong quá trình hình thành theo định hướng quy hoạch được phê duyệt.

Sở cũng khuyến khích sử dụng lại các tên gọi cũ của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, hoặc chọn những tên có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, được người dân địa phương yêu mến và ủng hộ.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tphcm-can-nhac-phuong-an-thanh-lap-mot-don-vi-hanh-chinh-moi-mang-ten-sai-gon-post1192171.vov