TP.HCM cấp bách hoàn thành bệnh án điện tử trong tháng 9-2025
Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 9-2025, tất cả bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM phải hoàn thành bệnh án điện tử.
Ngày 10-4, Sở Y tế TP.HCM phối hợp tổ chức Hội nghị đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành y tế TP.HCM.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử là mục tiêu hàng đầu
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế TP đang tập trung chuyển đổi số trong năm 2025. Mục tiêu đầu tiên là triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thứ hai là quản lý tinh -gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP mới có 9 bệnh viện đã thẩm định và đạt tiêu chuẩn bệnh án điện tử (nhóm 1) là: Nguyễn Tri Phương, Nhi đồng Thành phố, Hùng Vương, Lê Văn Thịnh, Nhân dân Gia Định và Răng Hàm Mặt TP.HCM.
Ngoài ra có 7 bệnh viện đã đủ điều kiện triển khai nhưng chưa thực hiện hồ sơ thẩm định (nhóm 2) và 35 bệnh viện chưa làm được bệnh án điện tử (nhóm 3) vì chưa đạt điều kiện.

Bệnh viện Hùng Vương là 1 trong 9 bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh án điện tử. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Trong năm 2025, đối với những bệnh viện thuộc nhóm 1, Sở Y tế yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và bổ sung theo kế hoạch mới của Bộ Y tế, hoàn thiện theo hướng bệnh viện không giấy và liên thông dữ liệu; nhóm 2 hoàn thiện thủ tục để thẩm định hồ sơ bệnh án điện tử; nhóm 3 cần khẩn trương, tập trung cao độ, có kế hoạch đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để triển khai bệnh án điện tử.
Năm 2025, Sở Y tế TP.HCM đặt mục tiêu 100% bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện của TP. Đến năm 2030, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
“Mục tiêu đặt ra là hết tháng 9-2025, tất cả bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế phải hoàn thành được bệnh án điện tử. Đây là thách thức lớn, các tập thể của bệnh viện phải chung một lòng, đoàn kết để hoàn thành mục tiêu” - ông Dũng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã chia sẻ mô hình bệnh án điện tử toàn diện - nền tảng số hóa đồng bộ trong quản lý và chăm sóc người bệnh, từ khâu đăng ký khám bệnh không giấy, kê đơn điện tử, cho đến quản lý dữ liệu bệnh nhân liên thông với bảo hiểm và các cơ sở y tế tuyến dưới.

Bệnh nhi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - nơi đã triển khai bệnh án điện tử. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Theo PGS.TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, hệ thống trên không chỉ tối ưu hóa quy trình chuyên môn mà còn hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản trị bệnh viện, giúp ra quyết định chính xác, giảm tải cho nhân viên y tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Bệnh viện đã đầu tư thiết bị, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai phần mềm HIS 2.0 (hệ thống thông tin bệnh viện) để tiến đến bệnh viện không giấy.
“Trong triển khai bệnh án điện tử, việc đầu tư cơ sở hạ tầng là điều rất quan trọng, đòi hỏi chi phí khá lớn. Ngoài ra vấn đề quản lý dữ liệu và bảo mật cũng quan trọng. Bệnh viện phải cập nhật các bản và hệ thống thường xuyên; kiểm soát truy cập theo phân cấp; sử dụng mật khẩu an toàn, đủ mạnh; thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên định kì và có kế hoạch ứng phó sự cố” - bác sĩ Định nói.
Đầu tư ngân sách đáng kể để chuyển đổi số
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 51 bệnh viện công lập của TP, mới có 9 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử và 7 bệnh viện sắp triển khai. Còn 3/4 bệnh viện chưa đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử. Các giám đốc bệnh viện phải xem đây là nhiệm vụ cấp bách, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Lãnh đạo các bệnh viện cần nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Việc chậm trễ trong chuyển đổi số, đặc biệt là hồ sơ bệnh án điện tử, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Hạn cuối để hoàn thành là hết tháng 9 năm nay. Nếu sau thời gian này bệnh viện nào chưa hoàn thành bệnh án điện tử, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm” - ông Thượng nhấn mạnh.
Theo ông Thượng, ngành y tế TP đang nỗ lực xây dựng dữ liệu ngành y tế, với hai trụ cột chính là dữ liệu sức khỏe người dân và dữ liệu bệnh án điện tử. Việc triển khai đồng bộ hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện là yếu tố then chốt để liên kết và khai thác hiệu quả các dữ liệu này, hướng tới xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn bộ người dân TP.

Nhờ có bệnh án điện tử, nhiều người đi khám không phải chờ đợi do đặt lịch khám online từ trước. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Để hỗ trợ các bệnh viện trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là về hạ tầng công nghệ thông tin, UBND TP.HCM đã đồng thuận đầu tư ngân sách đáng kể. Các bệnh viện hạng hai sẽ được cấp 20 tỉ đồng, các bệnh viện hạng một nhận được 40 tỉ đồng để củng cố hạ tầng, đảm bảo an ninh mạng. Sở Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về đấu thầu công nghệ thông tin để các đơn vị triển khai hiệu quả và đúng quy định.
“Triển khai bệnh án điện tử là một trong những chỉ số đầu ra quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của người đứng đầu các bệnh viện trong năm nay. Sự quyết tâm và nỗ lực đồng bộ của toàn ngành được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố” - ông Thượng nói.
Chìa khóa phát triển tự chủ bền vững ngành y tế
Chuyển đổi số là động lực then chốt trong hiện đại hóa ngành y tế, tạo nền tảng xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh, minh bạch và hiệu quả. Việc đầu tư bài bản cho chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp ngành y tế phát triển tự chủ bền vững, lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng thích ứng trong mọi tình huống.
Kế hoạch của ngành y tế là hướng đến y tế thông minh hiện đại, để đồng bộ với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó phát triển TP trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực Đông Nam Á.
Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, người đứng đầu các bệnh viện cần củng cố hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư nhân lực ngành công nghệ thông tin; nhanh chóng thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển chuyên môn kỹ thuật.
Đề nghị các sở ngành tiếp tục phối hợp với ngành y tế trong chuyển đổi số, giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của ASEAN.
Ông NGUYỄN PHƯỚC LỘC, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM