TP.HCM chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19
Mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng và ngân sách nhà nước đảm bảo đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh không có bảo hiểm y tế.
Ngày 11/9, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin về những vấn đề liên quan đến công tác chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân thành phố và Công văn 2512 về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ, những trẻ em dưới 16 tuổi (theo quy định của Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19 (F0), hoặc cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sẽ được hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Thời gian áp dụng kể từ ngày 27/4-31/12 và thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với trường hợp là F0 và 21 ngày đối với trường hợp F1.
Mỗi trẻ em sẽ được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng và ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, sau khi điều trị và cách ly tập trung trở về nhà, trẻ em được chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ thêm gạo, mỳ gói, sữa... nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ.
Ông Lê Minh Tấn cho biết, trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID-19 sẽ được áp dụng mức trợ cấp hệ số 2,5 (đối với trẻ em dưới 4 tuổi); hệ số 1,5 (đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên) và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoảng khác trong nhà trường.
Các trẻ sẽ được trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi (Theo Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP).
Ngoài ra, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2001/NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mẹ thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân hoặc cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; người nhận làm con nuôi hoặc đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.
Cùng với các tổ chức, cá nhân thay thế chăm sóc trẻ, hiện các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã và đang vận động những người có điều kiện nhận chăm sóc hoặc hỗ trợ cho trẻ có cả cha lẫn mẹ qua đời vì bệnh COVID-19 hoặc có cha hoặc mẹ qua đời vì bệnh COVID-19, người còn lại mắc COVID-19 và đang được điều trị trong khu cách ly tập trung, có hoàn cảnh khó khăn, với mức từ 3-5 triệu đồng/trẻ và gạo, sữa, mỳ, dầu ăn…
Ông Lê Minh Tấn cho biết, để hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em đang đi học, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện theo Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/NĐ-CP, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2999 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã đề xuất miễn học phí học kỳ I cho tất cả học sinh nhằm đảm bảo chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài.
Đồng thời, thành phố kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng thì hãy chia sẻ với học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến.
Theo ông Lê Minh Tấn, hiện các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang vận động các nguồn lực để hỗ trợ cơ sở vật chất, máy tính, điện thoại và kết nối mạng Internet... tạo điều kiện thuận lợi cho các em học trực tuyến (đã khai giảng).
Riêng trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội như: mồ côi cả cha mẹ, trẻ mồ một phía và người còn lại không có khả năng chăm lo, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật... thì được miễn giảm các khoản phụ phí khác.
Các em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập... sẽ được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ học tập thông qua các loại hình học bổng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Minh Khai, Tài Năng trẻ...