TP.HCM: Chấn chỉnh tình trạng loạn giá khi khám, điều trị hậu Covid-19

Trước tình trạng mỗi nơi một giá khi điều trị di chứng hậu Covid-19, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các đơn vị không được điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…

Sau đợt dịch bùng phát vừa qua, TP.HCM xuất hiện nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu Covid-19 với nhiều mức giá thu khác nhau.

Để chấn chỉnh việc này, tối ngày 9/2, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi đến giám đốc các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị không được điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu Covid-19 trong trường hợp không cần thiết; không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu Covid-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19 với giá khám theo yêu cầu.

Trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Trường hợp người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.

Còn trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với Sở Y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.

Khám hậu Covid-19 tại một bệnh viện ở TP.HCM

Theo ghi nhận của phóng viên, từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều bệnh viện công lập và tư nhân đã thành lập các phòng khám, khoa điều trị hậu Covid-19. Trong đó, nhiều nơi đưa ra các gói kiểm tra hậu Covid giá dao động khoảng từ 1 đến hơn 7 triệu đồng.

Nhưng hiện nay, chi phí khám hậu Covid-19 được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định, tùy theo loại bảo hiểm của người bệnh. Các bệnh viện tuyến trung ương không phải nơi khám chữa bệnh ban đầu, do đó bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú thì cần giấy chuyển tuyến để được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu, điều trị nội trú sẽ được bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn, không cần giấy chuyển tuyến.

Sở Y tế TP.HCM xác định sức khỏe cộng đồng hậu Covid đang là một trong những vấn đề trọng tâm của y tế thành phố năm 2022. Hai chiến lược chăm sóc hậu Covid được thành phố triển khai là tiếp cận và can thiệp sớm, mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị sớm người mắc di chứng, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho người bệnh.

Mô hình quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 của thành phố sẽ thực hiện theo mô hình tháp 3 tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tầng một là cấp y tế cơ sở (tiếp nhận bệnh nhân nhẹ), tầng hai là bệnh viện tuyến quận, huyện (chăm sóc người bệnh mức độ trung bình), tầng ba là bệnh viện chuyên khoa sâu và đa khoa tuyến cuối (tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch). Hai tầng đầu tập trung mục tiêu chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời từ sớm, hạn chế nguy cơ chuyển nặng.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-chan-chinh-tinh-trang-loan-gia-khi-kham-dieu-tri-hau-covid-19-d160457.html