TP.HCM: Chấn chỉnh việc quản lý vốn tạm ứng đầu tư công

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước.

Đồng thời kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư; thường xuyên rà soát, đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, chế tài phù hợp đối với việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng.

Dự án vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn.

Dự án vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn.

Trong đó, đối với các dự án đã tạm ngừng thực hiện, UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư xác định rõ dự án có được tiếp tục thực hiện hay dừng thực hiện vĩnh viễn theo quy định tại Nghị định số 99 (ngày 11/11/2021) của Chính phủ; xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã ngừng thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng; đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Đối với các dự án đang thực hiện, trong trường hợp đã có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện chuyển sang thanh toán, UBND Thành phố yêu cầu khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn tất thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước Thành phố; trường hợp không đủ điều kiện thanh toán đề nghị thu hồi hết số vốn đã tạm ứng quá hạn.

Trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 99, căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.

Đối với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện đúng các quy định về việc tạm ứng vốn, trong đó đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mức vốn tạm ứng tối đa không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Đối với các dự án đang thực hiện, còn dư số tạm ứng chưa thu hồi, cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thu hồi vốn tạm ứng, đảm bảo thu hồi hết khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng.

Trong khi đó, đối với các khoản tạm ứng quá hạn, UBND TP.HCM yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng; đề xuất phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số tạm ứng quá hạn, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan thanh tra, công an.

Trường hợp nhà thầu, đơn vị cung ứng không có thiện chí phối hợp xử lý các khoản tạm ứng quá hạn, chủ đầu tư khẩn trương báo cáo cơ quan cấp trên của chủ đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố để chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố về việc không cho các nhà thầu này được tham gia thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo lãnh ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý các vi phạm phát sinh theo thẩm quyền và quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Kho bạc Nhà nước TP.HCM chịu trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về thu hồi vốn tạm ứng; phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích; kiểm tra số dư tạm ứng để đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng theo quy định

Đáng chú ý, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét các biện pháp chế tài trong việc đấu thầu thực hiện các công trình, dự án trên toàn địa bàn Thành phố như điều chuyển, cắt giảm vốn đầu tư, đăng báo không được tham gia dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư không cho tham giá thầu trên phạm vi cả nước... đối với các nhà thầu có số dư nợ tạm ứng quá hạn nhưng không phối hợp thu hồi.

Năm 2024, mức vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là 79.263 tỷ đồng, Thành phố đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 95% trở lên trên tổng số vốn này. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân đầu tư công đạt thấp, chưa đạt yêu cầu. Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm 2024 đến ngày 12/7/2024, giải ngân đầu tư công của TP.HCM chỉ mới đạt hơn 11.511 tỷ đồng (đạt 14,5% kế hoạch năm 2024).

Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM: Trong năm 2024, số dư tạm ứng nguồn vốn đầu tư công đến 30/6/2024 là 27.041 tỷ đồng, số dư vốn ứng trước và vốn mượn đến 30/06/2024 là 37 tỷ đồng. Trong tổng số dư tạm ứng đến 30/6/2024, có 125 dự án với số dư tạm ứng quá hạn là 1.666 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,16% tổng số vốn tạm ứng, giảm nhẹ so với dư tạm ứng quá hạn đầu năm 2024 (1.687 tỷ đồng).

Nguyên nhân là có một số dự án thuộc nhóm nhà thầu phá sản, đình hoãn, ngưng hoạt, số dư chi phí di dời trọn gói. Nhiều chủ đâu tư chưa thực hiện nghiêm quy định lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi Kho bạc Nhà nước. Các dự án đã đình hoãn, nhà thầu không tiếp tục thực hiện, giải thể, chủ đầu tư không liên lạc được với nhà thầu hoặc chủ đầu tư đã sáp nhập vẫn chưa được giải quyết.

Kho bạc Nhà nước kiến nghị Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục có những chế tài đủ mạnh xử lý, kiểm điểm các chủ đầu tư, ban quản lý có dự án để vốn tạm ứng quá hạn. Yêu cầu các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng, chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng, có cam kết cụ thể về thời hạn thu hồi tạm ứng và thực hiện tất toán tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM: Tồn tại lớn nhất hiện nay vẫn là số vốn tạm ứng quá hạn của 3 dự án trước đây thực hiện tạm ứng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM với tổng số dư tạm ứng là 1.215 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 72% trong tổng số dư tạm ứng quá hạn. Cụ thể là dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư (463 tỷ đồng); dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư (118 tỷ đồng); dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư - Khu Công nghệ cao TP.HCM do Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM làm chủ đầu tư (634 tỷ đồng) đã kéo dài gần 20 năm đến nay vẫn chưa có biện pháp thu hồi.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-chan-chinh-viec-quan-ly-von-tam-ung-dau-tu-cong-176004.html