TP.HCM chủ động gỡ khó thuế quan Mỹ: Bước đi chiến lược bảo vệ tăng trưởng
TP.HCM đang có những bước đi chủ động và chiến lược để ứng phó hiệu quả với những biến động từ chính sách thuế quan Mỹ.
Theo Sở Công thương TP.HCM, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của doanh nghiệp TP.HCM. Trong giai đoạn 2016 - 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ của thành phố đạt mức cao nhất với 7,4 tỉ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng là 24,27%.
Bối cảnh mới
Sáng nay 9-4, TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ”. Hội thảo này diễn ra trong bối cảnh Mỹ thông báo áp thuế 46% hàng nhập khẩu Việt Nam.

Bằng cái nhìn thẳng thắn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý phân tích sâu sắc những thách thức và cơ hội mà chính sách thuế quan mới này đặt ra cho nền kinh tế. Ảnh: THUẬN VĂN
Sở Công thương TP.HCM đánh giá bước đầu rằng, nếu mức thuế 46% áp lên hàng hóa xuất khẩu của TP.HCM sẽ làm đội giá thành lên gần một nửa, khiến hàng hóa mất lợi thế cạnh tranh về giá so với nước khác không bị áp thuế.
Trong ngắn hạn, doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh thua lỗ. Hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang Mỹ dự kiến sụt giảm trong quý II và quý III-2025. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Mỹ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng từ doanh nghiệp TP.HCM vì lo ngại thuế làm giá tăng cao từ quý I-2026.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết Sở sẽ ban hành Kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030. Ảnh: THUẬN VĂN
“Trong dài hạn, từ những tác động trực diện đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành thâm dụng lao động có thể sẽ để lại những tác động về mặt xã hội - kinh tế khi lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của thành phố.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể trì hoãn mở rộng đầu tư, tuyển dụng do đánh giá về triển vọng thị trường chưa lạc quan, từ đó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của Thành phố trong ngắn hạn” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết.
“Đến bây giờ, chưa có đối tác mua hàng từ Mỹ thông báo cho chúng tôi hủy đơn hàng” – ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho biết. Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng khẳng định thông tin này.
Trong góc nhìn của mình, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, nếu nhìn sâu hơn vào các dữ liệu về cơ cấu ngành hàng xuất khẩu của TP.HCM, sẽ không quá bi quan trước thông tin thuế quan.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM khuyến nghị, thành phố cũng cần đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, giúp giảm chi phí logistics cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Ảnh: THUẬN VĂN
“Nếu xét theo kịch bản xấu nhất là mất thị trường Mỹ vì thuế cao, căn cứ vào dữ liệu xuất khẩu của TP.HCM sang Mỹ, tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM giảm tối đa khoảng 1,3%. Do đó không quá lo đến tốc độ tăng trưởng của thành phố trong năm nay.
Tuy nhiên, khó khăn cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại các ngành nghề theo hướng tạo ra nhiều giá trị gia tăng và không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Để bù đắp cho khả năng sụt giảm tổng cầu từ thị trường Mỹ, tôi hoàn toàn ủng hộ việc kích cầu tiêu dùng trong nước song song với đẩy mạnh đầu tư công. Đầu tư công, nếu được triển khai hiệu quả trong năm 2025, không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho tương lai mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế kịp thời.
Thành phố cũng cần đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, giúp giảm chi phí logistics cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Thêm vào đó, cần khuyến khích và hỗ trợ đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm củng cố chuỗi cung ứng liên kết với các tập đoàn Hoa Kỳ” - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài phân tích.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Đại học Tài chính – Marketing cho biết: “Chúng tôi đã mô phỏng ba kịch bản thuế suất: 0%, 10% và 46%. Ngay cả với kịch bản xấu nhất là thuế suất 46%, tác động giảm tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ ở mức rất nhỏ, khoảng 0,2%.
Chúng tôi cũng mô hình hóa cân đối thu chi ngân sách của TP.HCM so với năm 2024 và dự báo 2025, kết quả cho thấy cân đối ngân sách hầu như không bị ảnh hưởng đáng kể bởi kịch bản 46% thuế suất”.
Đột phá quyết liệt
Bằng cái nhìn thẳng thắn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý phân tích sâu sắc còn đề xuất các giải pháp ứng phó chiến lược, nhằm bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế và duy trì vị thế của TP.HCM trong chuỗi giá trị toàn cầu.
GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Đại học Mở TP.HCM cho rằng, để bù đắp cho sự sụt giảm tiềm năng trong xuất khẩu sang Mỹ do thuế quan, một chiến lược quan trọng là kích thích mạnh mẽ đầu tư và tiêu dùng trong nước. Việc khuyến khích tiêu dùng nội địa sẽ tạo ra một nguồn cầu mới, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất và việc làm
Với bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường đầu tư vào mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới công nghệ để thâm nhập vào các thị trường mới. Nhà nước có thể hỗ trợ điều này thông qua các chính sách ưu đãi thuế, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ tiếp cận vốn.

GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Đại học Mở TP.HCM cho biết, trước tác động thuế quan Mỹ, Trong ngắn hạn, thành phố cần triển khai ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của thuế quan theo Nghị quyết 98. Ảnh: THUẬN VĂN
“Trong ngắn hạn, thành phố cần triển khai ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của thuế quan theo Nghị quyết 98, đặc biệt về thuế và đất đai. Về lâu dài, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững, việc đa dạng hóa thị trường là then chốt. Bên cạnh các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ, cần tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Bắc Phi, Châu Phi và Mỹ Latinh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng và hiệu quả.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến xuất khẩu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế là yếu tố không thể thiếu để mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng toàn cầu” - GS.TS Nguyễn Minh Hà khuyến nghị.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Mỹ áp thuế quan lên hàng nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, Sở sẽ ban hành Kế hoạch phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cụ thể: Xác định thị trường trọng điểm thay thế. Tập trung điều chỉnh thị trường xuất khẩu, tận dụng các FTA khác để bù đắp thị trường Hoa Kỳ.
Xây dựng chiến lược thị trường cho từng ngành với mỗi ngành cần xác định thị trường trọng điểm thay thế. Đồng thời tổ chức các đoàn giao thương trực tuyến và trực tiếp sang EU, châu Á, Trung Đông, châu Phi, những thị trường chưa bão hòa và đang có FTA với Việt Nam (CPTPP, EVFTA, RCEP…).
Đặc biệt là thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để cùng vượt khó. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, giúp giảm chi phí và tỷ lệ nhập khẩu từ các nước được xem là đối thủ của Hoa Kỳ, giảm nguy cơ bị áp thuế. Theo dõi sát tình hình các nước cạnh tranh để khi trường hợp các nước này giành lợi thế do thuế thấp hơn, chủ động nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cho khác biệt, tránh đối đầu trực tiếp về giá.

Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng với chính quyền thành phố tìm các giải pháp vượt qua những tác động của thuế quan cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo GS.TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả, TP.HCM cần tiến hành phân tích dữ liệu triển khai các biện pháp hỗ trợ, tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Mỹ hiện không tính thâm hụt thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tương tự như hàng hóa. Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp TP.HCM đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ sang thị trường Mỹ. Các lĩnh vực dịch vụ tiềm năng như gia công phần mềm, dịch vụ tư vấn công nghệ, phát triển ứng dụng,…
Cộng đồng doanh nhân và chuyên gia gốc Việt tại Mỹ là một cầu nối quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của TP.HCM sang thị trường này. Họ có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, thị trường và mạng lưới kinh doanh tại Mỹ, có thể cung cấp thông tin giá trị, tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và phát triển thị trường.
Do đó, thành phố cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng này thông qua các hoạt động như tổ chức thường niên các diễn đàn tại các thành phố lớn của Mỹ để kết nối doanh nghiệp hai bên, giới thiệu tiềm năng và cơ hội hợp tác của TP.HCM. Tạo dựng một mạng lưới trực tuyến và ngoại tuyến để doanh nghiệp TP.HCM có thể dễ dàng kết nối và trao đổi thông tin với các doanh nhân và chuyên gia gốc Việt, cũng như để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của TP.HCM.
Việc tổ chức Diễn đàn TP.HCM tại Hoa Kỳ vào mùa thu hàng năm là một sáng kiến rất quan trọng và cần được duy trì, tăng cường về quy mô và chất lượng. Thành lập Đặc khu kinh tế kết nối với Singapore, Châu Âu và Nhật Bản là một ý tưởng chiến lược nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho TP.HCM, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tận dụng các lợi thế khác biệt của từng đối tác.
“Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thành phố có thể giảm thiểu tác động tiêu cực từ thuế quan và tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế” - GS.TS Trần Ngọc Anh nói.
TP.HCM xây dựng chủ quyền dệt may
Để hóa giải các khó khăn trước mắt, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và đảm bảo tăng trưởng bền vững cho ngành dệt may, thì chúng tôi tập trung vào việc xây dựng chủ quyền chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, phát triển thương hiệu quốc gia và thay đổi tư duy bảo vệ ngành.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Một trong những trọng tâm hàng đầu là xây dựng chiến lược chủ quyền chuỗi cung ứng thông qua việc phát triển "vành đai nguyên liệu khu vực". Điều này bao gồm việc thúc đẩy hợp tác công tư để hình thành các vùng nguyên liệu bông, xơ, sợi ổn định tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc mở rộng liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN với các quốc gia như Lào, Campuchia và Indonesia.
Đồng thời, TP.HCM nên có chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiến lược vào các khâu quan trọng của ngành dệt may như dệt, nhuộm và hoàn tất, đặc biệt ưu tiên các dự án sạch, đạt chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may thích ứng với tình hình mới, chúng tôi sẽ thành lập Quỹ Chuyển đổi chuỗi cung ứng ngành dệt may. Quỹ này sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chuyển đổi nguồn cung ứng ra khỏi các khu vực chịu ảnh hưởng của thuế cao (như Trung Quốc), đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa và các công nghệ xanh tiên tiến.
Tập trung vào xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" có chiều sâu, trở thành một "passport" uy tín giúp các doanh nghiệp tránh bị gộp chung với các quốc gia có nguy cơ bị áp thuế cao trong tương lai.
Song song với đó, sẽ khẩn trương triển khai xây dựng Trung tâm thời trang TP.HCM, kỳ vọng trở thành đầu tàu đổi mới, sáng tạo và phát triển thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thời trang thế giới.
Đổi mới tư duy về bảo vệ ngành từ phòng vệ thụ động sang thỏa thuận chủ động. Đàm phán cơ chế đối tác tin cậy với Mỹ – miễn trừ thuế cho doanh nghiệp có chuỗi cung ứng minh bạch và đạt chuẩn ESG.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM
Cần ưu tiên nhập khẩu gỗ Mỹ
Việc áp dụng thuế cao có thể ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc xuất khẩu, giao hàng bị trì hoãn, chi phí sản xuất bị đẩy cao. Điều này dẫn đến giảm doanh thu các doanh nghiệp gỗ.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ tài chính như gia hạn thuế, hoặc bổ sung các khoản vay thanh khoản để giảm bớt áp lực tài chính trong ngắn hạn.
Việt Nam cũng cần có chính sách giúp doanh nghiệp gỗ mở rộng thị trường, thay vì tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Điều này giúp doanh nghiệp ít bị tác động khi Mỹ thay đổi chính sách thuế và rào cản thương mại. Việt Nam cũng cần ưu tiên nhập khẩu gỗ từ Mỹ nhiều hơn cũng là giải pháp giảm tác động thuế quan.