TP.HCM: Có 18/20 ca mắc đậu mùa khỉ nhiễm HIV
Trong số 20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có 18 ca được chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra) trong đó có 17 nam, 1 nữ.
Ngày 23/10, Sở Y tế TP.HCM thông tin tính đến tối 22/10, ngành y tế TP.HCM ghi nhận có 20 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trong đó có 18 ca được chẩn đoán B20 (mắc hội chứng truyền nhiễm do virus HIV gây ra) trong đó có 17 nam, một nữ.
Theo Sở Y tế, hiện có 2 ca lâm sàng diễn tiến nặng với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng tầng sinh môn, giang mai ác tính, áp xe phổi, nhiễm trùng da... Các bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên chưa thể nói trước được tiên lượng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 6 tới 13 ngày và có thể tự khỏi trong vòng 2- 3 tuần. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa.
Tại Việt Nam, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài vào năm 2022, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và các bệnh viện, phòng khám triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống dịch bệnh lây lan.
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho rằng, bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn bệnh đậu mùa, ít truyền nhiễm hơn bệnh đậu mùa, thường tự khỏi, với triệu chứng kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng và gây ra các biến chứng. Tỷ lệ tử vong của bệnh gần đây khoảng 3 - 6%.
Theo BS Thảo, dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ là khi bệnh nhân có phát ban mụn nước, vị trí thường ở mặt, bàn tay chân, mắt, miệng, bộ phận sinh dục, kèm với các triệu chứng khác như sốt, đau cơ, sưng hạch, đau đầu, yếu sức. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền cho người do tiếp xúc gần với con vật bệnh hoặc người bệnh, hoặc do tiếp xúc với các vật thể nhiễm virus.
BS Thảo lưu ý, để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng, cần tránh tiếp xúc trực tiếp da với da, đối diện, hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo. Cần đeo khẩu trang nếu bạn bắt buộc phải tiếp xúc gần với người có triệu chứng và khi thay ga, gối giường, khăn và quần áo của người mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-co-1820-ca-mac-dau-mua-khi-nhiem-hiv-161839.html