TP.HCM có 3 tiểu vùng, 5 khu vực tạo động lực phát triển

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM sẽ có 3 tiểu vùng, 5 khu vực giữ vai trò tạo động lực phát triển cho TP.

Ngày 31-12-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3 tiểu vùng, 5 khu vực – động lực thúc đẩy TP.HCM phát triển

Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn này, tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2030, TP có 16 quận, được chia thành 4 phân vùng, trong đó phân vùng 1 là quận 1; phân vùng 2 bao gồm các quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; phân vùng 3 bao gồm các quận 7, 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú; phân vùng 4 bao gồm các quận 12, Bình Tân;

Tiểu vùng TP Thủ Đức là đô thị loại I, đô thị song hành giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP;

Tiểu vùng khu vực ngoại thành sẽ được đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.

 TP.HCM sẽ có 3 tiểu vùng: trung tâm, TP Thủ Đức, ngoại thành. Ảnh: Nguyễn Tiến

TP.HCM sẽ có 3 tiểu vùng: trung tâm, TP Thủ Đức, ngoại thành. Ảnh: Nguyễn Tiến

Các tiểu vùng, trung tâm và các hoạt động kinh tế - xã hội được liên kết thông qua 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển.

Trong đó, 4 trục Đông – Tây bao gồm trục ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát; Quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách mạng Tháng 8 - Nguyễn Hữu Thọ; Quốc lộ 13 - Vành đai 2 - trục động lực phát triển mới phía Tây Cần Giờ; Tỉnh lộ 10 - Vành đai 2 - trục qua Long An (song song Quốc lộ 50).

5 trục Bắc - Nam gồm trục Quốc lộ 1A (xa lộ Đại Hàn); trục qua sân bay (Phạm Văn Đồng - trục qua Long An); Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh; Trần Đại Nghĩa, sân bay Long Thành; hình thành trục kết nối mới ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ đến Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Nai.

5 khu vực giữ vai trò động lực cho TP.HCM

Khu vực đô thị trung tâm (các quận) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch;

Khu vực TP Thủ Đức là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao;

Khu vực phía Nam (quận 7 và huyện Nhà Bè) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái;

Khu vực huyện Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo;

Khu vực huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là khu vực ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế.

Thành lập khu thương mại tự do Cần Giờ

Theo quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (quy mô khoảng 1.000-2.000ha tại Cần Giờ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái, khi có đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, quy hoạch định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích khoảng 8.369ha.

 Thủ tướng yêu cầu TP.HCM nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Tiến

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Tiến

Trong giai đoạn này, TP.HCM sẽ quy hoạch 14 khu du lịch, trong đó khu du lịch Cần Giờ được quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Nghiên cứu bổ sung hành lang sông Sài Gòn (đoạn đi qua TP.HCM khoảng 10.000ha) vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ có các khu chức năng, đơn cử như trung tâm tài chính quốc tế bố trí tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích khoảng 100-200ha) và phần trung tâm quận 1 ven sông Sài Gòn.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm vùng Tây - Bắc TP (huyện Củ Chi, Hóc Môn với diện tích khoảng 20.000ha), vùng Tây - Nam TP (huyện Bình Chánh với diện tích khoảng 10.000ha) và vùng Nam TP (Cần Giờ, Nhà Bè với diện tích khoảng 42.500ha).

Khu vực cần được bảo vệ, tu bổ, phục hồi và khai thác hợp lý gồm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (với diện tích khoảng 70.445ha), trong đó vùng lõi với diện tích khoảng 7.000ha.

Khu nghiên cứu đào tạo gồm 4 khu với tổng diện tích khoảng 2.252 ha, gồm khu Đại học Quốc gia TP.HCM; khu đô thị đại học quốc tế VN; khu đại học Hưng Long và khu đô thị tri thức sáng tạo Long Phước.

Giai đoạn của giao thông liên kết vùng

TP.HCM sẽ phát triển các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn TP theo quy hoạch.

Các tuyến này gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, Quốc lộ 50B, vành đai 3, 4.

Giai đoạn này, TP.HCM sẽ tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh như kết nối với tỉnh Đồng Nai qua quốc lộ 1, cầu Cát Lái kết nối với huyện Nhơn Trạch, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Kết nối với tỉnh Bình Dương qua quốc lộ 13, vành đai 3, vành đai 4, đường kết nối tuyến cao tốc TP.HCM-Chơn Thành-Hoa Lư, đường ven sông Sài Gòn,...

Kết nối với Long An bằng cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 50B,... Kết nối với Tây Ninh bằng cao tốc TP.HCM-Mộc Bài, quốc lộ 22, tỉnh lộ 6,…

 Vành đai 3 qua địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: NN

Vành đai 3 qua địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: NN

Phát triển các tuyến đường sắt mới đi qua TP.HCM gồm tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh; tuyến TP.HCM - Tây Ninh; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; đường sắt chuyên dụng kết nối cảng Hiệp Phước.

Về lĩnh vực đường sắt đô thị, TP.HCM sẽ phát triển 12 tuyến đường sắt đô thị gắn với việc hình thành phát triển các khu đô thị theo mô hình TOD có tính liên kết Vùng Đông Nam Bộ.

TP.HCM sẽ kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế, kết nối thông qua các hành lang quốc gia, gồm hành lang Bắc - Nam; hành lang Vũng Tàu - TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) - Campuchia; hành lang TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư...

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-co-3-tieu-vung-5-khu-vuc-tao-dong-luc-phat-trien-post828275.html