TP.HCM đã giải ngân gần hết 35.000 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng
Tính đến ngày 9/1/2025, TP.HCM đã giải ngân 34.434 tỷ đồng vốn đầu tư công dành cho giải phóng mặt bằng (đạt tỷ lệ 98,36%) trong tổng số 35.007 tỷ đồng vốn được giao năm 2024.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có Báo cáo khẩn gửi UBND TP.HCM về tình hình giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng.
Báo cáo cho thấy, năm 2024 tổng số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng tại 161 dự án trên địa bàn Thành phố là 35.007 tỷ đồng, tăng 7.050 tỷ đồng so với năm 2023.
Nhiều quận đến nay đã giải ngân được số vốn rất lớn như: quận Bình Thạnh giải ngân được 12.754 tỷ đồng (đạt 99,9 %); TP. Thủ Đức, 9.060 tỷ đồng (đạt 98 %); quận 8 đã giải ngân 5.741 tỷ đồng (đạt 97,1 %).
Tính chung trên địa bàn Thành phố, đến ngày 9/1/2025, tổng số tiền đã giải ngân ra khỏi Kho bạc Nhà nước là 34.434 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,3 %.
Rút kinh nghiệm đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để khắc phục hạn chế năm 2024, năm nay Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo, các chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án lớn của Thành phố) cần xác định rõ phần vốn bồi thường cho từng dự án để UBND địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể cho từng dự án.
Mặt khác, các địa phương phối hợp với các chủ đầu tư rà soát kỹ số vốn bồi thường đủ cho nhu cầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tránh trường hợp ghi dư vốn hoặc thiếu vốn. Các địa phương cam kết số vốn dự toán ghi chênh lệch so với thực tế không quá 5%.
Đồng thời, đối với các trường hợp dư hoặc thiếu vốn, cần phải báo cáo, đề xuất ngay với Sở Kế hoạch và Đầu tư để có hướng xử lý phù hợp (điều chuyển vốn, bổ sung vốn).
Ngoài ra, các địa phương cần kiểm tra, rà soát các dự án có thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để xác định các công việc cần thực hiện như pháp lý dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ nhà, đất tái định cư, tổng mức đầu tư…
Trên cơ sở đó, địa phương xây dựng 14 kế hoạch thực hiện giải ngân của từng dự án theo từng tháng và cam kết thực hiện giải ngân hết số vốn được giao trong năm. Sở Tài nguyên và Môi trường dựa trên các kế hoạch giải ngân của từng đơn vị sẽ có chế độ kiểm tra đôn đốc phù hợp.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ giúp cho các dự án chậm tiến độ nhiều năm như khép kín đường Vành đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm…sớm khởi công để đưa vào khai thác tránh lãng phí.