TP.HCM đặt mục tiêu 90% người có định danh điện tử mức 2 góp ý sửa đổi Hiến pháp

Tại buổi họp báo định kỳ của TP.HCM chiều 15/5, đại diện Công an TP.HCM đã cung cấp thông tin hướng dẫn cách góp ý sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VneID.

Theo Công an TP.HCM, việc góp ý sửa đổi Hiến pháp là cơ hội quý báu để mỗi người dân thể hiện trách nhiệm công dân, góp phần xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Và việc thực hiện góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên VNeID là thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực ứng dụng chuyển đổi số vào cuộc sống.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Thành phố

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Thành phố

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Thành phố cho biết, Công an Thành phố đã gửi tài liệu cho các đơn vị liên quan để phối hợp. Đồng thời, công an cấp xã đang thành lập các tổ công tác lưu động, đến trực tiếp hướng dẫn người dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”… Hiện nay công việc này đang ráo riết thực hiện khi chỉ còn 15 ngày.

"Tuyên tuyền từ nay đến 30/5. Việc góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VneID trong lúc này là thời điểm thích hợp khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia hay phong trào "Bình dân học vụ số". Qua đó giúp cho công tác chuyển đổi số và người dân nhận thức về số tốt hơn", Thượng tá Hồ Thị Lãnh nhấn mạnh.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh thông tin thêm, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 5,2 triệu người có định danh mức độ 2, trong đó có khoảng 4,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên (đủ tuổi để góp ý Hiến pháp).

Công an TP đặt ra mục tiêu sẽ có 90% người đủ điều kiện góp ý sửa đổi Hiến pháp. Để đạt được mục tiêu trên rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan truyền thông.

Để góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, người dân thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Cài đặt hoặc cập nhật ứng dụng VNeID:

- Nếu chưa cài đặt ứng dụng VNeID, tải và cài đặt từ App Store (đối với hệ điều hành iOS) hoặc Google Play Store (đối với hệ điều hành Android).

- Nếu đã cài đặt, hãy kiểm tra và cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất để đảm bảo có đầy đủ các tính năng cần thiết.

Bước 2: Đăng nhập hoặc đăng ký tài khoản VNeID:

- Sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) đã được cấp để đăng nhập vào ứng dụng.

- Nếu chưa có tài khoản, cần thực hiện đăng ký tài khoản theo hướng dẫn trên ứng dụng. Quá trình này đòi hỏi xác thực thông tin cá nhân để đảm bảo tính chính xác và bảo mật.

Bước 3: Truy cập mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp":

- Sau khi đăng nhập thành công, trên giao diện chính của ứng dụng VNeID, tìm và chọn mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp" (hoặc các mục tương tự có liên quan đến việc góp ý dự thảo Hiến pháp). Mục này có thể được hiển thị ở trang chủ hoặc trong phần dịch vụ công của ứng dụng.

Bước 4: Nghiên cứu nội dung dự thảo và góp ý:

Mục "Lấy ý kiến dự thảo Hiến pháp" cung cấp các tài liệu liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Hãy đọc kỹ và nghiên cứu các nội dung này.

Bước 5: Gửi ý kiến:

Sau khi hoàn thành việc soạn thảo ý kiến, kiểm tra lại cẩn thận và nhấn nút "Gửi ý kiến" (hoặc các nút tương tự) trên ứng dụng để gửi ý kiến của mình đến cơ quan có thẩm quyền.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-dat-muc-tieu-90-nguoi-co-dinh-danh-dien-tu-muc-2-gop-y-sua-doi-hien-phap-post1199708.vov