TP.HCM đặt mục tiêu nhanh chóng gỡ vướng, cấp sổ hồng cho người dân
TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho hơn 81.000 căn nhà, tăng cường công khai thông tin dự án nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà.
Mới đây, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) cho người dân.
Đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng
Trước đó, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung thực hiện và hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng.
Từ đó, Sở TN&MT đặt mục tiêu hoàn tất việc tháo gỡ khó khăn đối với 81.085 căn nhà theo các nhóm vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của sở.
Để thực hiện mục tiêu trên, sở chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao cơ sở vật chất nhằm cải thiện hiệu quả xử lý hồ sơ, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin các dự án, thường xuyên cập nhật tiến độ tháo gỡ khó khăn và cấp giấy chứng nhận.
Đồng thời, sở sẽ triển khai các giải pháp theo kế hoạch đã đề ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người mua nhà.

Sở TN&MT sẽ triển khai các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng. Ảnh: QH
Các biện pháp trên sẽ giúp nâng cao tỉ lệ hồ sơ được xử lý đúng hạn, giảm hồ sơ trễ hạn và tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, sở cũng cam kết tăng cường công khai, minh bạch,cập nhật thường xuyên thông tin về các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM theo định kỳ.
Việc này giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về các dự án được cấp phép đầu tư, xây dựng từ trước đến nay; Quy mô đầu tư, tiến độ xây dựng của từng dự án; Tình trạng thế chấp tại tổ chức tín dụng, đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà; Các vi phạm trật tự xây dựng của chủ đầu tư (nếu có); Tiến độ nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Cần cơ chế linh hoạt xử lý vi phạm, tránh cứng nhắc
Ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao những nỗ lực của Tổ Công tác 5013 của TP.HCM trong việc rà soát và xác định 7 nhóm vướng mắc pháp lý chính đang ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án.
Theo ông Châu, với vướng mắc thứ nhất về quy định pháp luật liên quan đến thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà luật mới đã có quy định. Do đó, cần sớm hướng dẫn thực thi theo Nghị định mới để đảm bảo việc cấp sổ diễn ra thuận lợi.
Thứ hai, vướng mắc về nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc thực hiện điều tiết nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Đây là yêu cầu pháp luật song cần có cơ chế linh hoạt để doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình, tránh ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng.
Thứ ba là vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính bổ sung của chủ đầu tư. Việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để không làm gián đoạn quá trình cấp sổ.

HoREA đề xuất xử lý cần linh hoạt, không nên áp dụng cứng nhắc để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: QH
Thứ tư, vướng mắc đối với các dự án đang trong quá trình thanh tra, điều tra hoặc thực hiện bản án của Tòa án. Hiện nay, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã vào cuộc, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm, tránh kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà.
Thứ năm, vướng mắc về việc chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án cho địa phương. Đây là vấn đề thuộc cơ chế thực hiện, cần có quy định rõ ràng để các chủ đầu tư và chính quyền địa phương phối hợp thực hiện đúng trách nhiệm.
Thứ sáu, vướng mắc trong quá trình rà soát pháp lý dự án. Mặc dù đây là công việc cần thiết để đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhưng cũng cần có quy trình rút gọn nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.

Tổ Công tác 5013 của UBND TP.HCM đã tháo gỡ vướng mắc để thực hiện thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà tại 51 dự án với 38.363 căn hộ, nhà ở... Ảnh: QH
Thứ bảy, vướng mắc về vi phạm hành chính trong trật tự xây dựng. Đối với nhóm vi phạm này cần xem xét cho phép xử phạt để tồn tại. HoREA đề xuất gửi kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để có hướng xử lý phù hợp.
"Đối với các dự án không ảnh hưởng đến bên thứ ba, nên xem xét chấp nhận hiện trạng nhưng khi cải tạo, xây dựng lại phải tuân thủ theo quy hoạch. Việc xử lý cần linh hoạt, không nên áp dụng cứng nhắc để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp" - ông Châu kiến nghị.
Hàng ngàn người mua nhà đang chờ được cấp sổ hồng
Vẫn còn rất nhiều người mua nhà tại TP.HCM đang mong chờ được cấp sổ hồng căn hộ, nhà ở của mình sau thời gian dài chờ đợi. Đơn cử như chung cư Q7 Boulevard (Quận 7, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Khải Huy Quân (thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh) làm chủ đầu tư với 1.008 căn hộ.
Dự án được mở bán từ năm 2018, phần lớn cư dân đã nhận nhà từ năm 2021 và đóng đến 95% giá trị căn hộ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Nguyên nhân chính là block A2 của dự án (252 căn hộ) được hoán đổi làm quỹ nhà tái định cư cho UBND TP.HCM để cấn trừ tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, do thay đổi cơ chế, việc bàn giao quỹ nhà tái định cư gặp vướng mắc pháp lý, ảnh hưởng đến toàn bộ cư dân.
Nhiều người dân mong muốn TP.HCM nhanh chóng gỡ vướng cấp sổ hồng. Ảnh: QH
Hay một dự án khác là Khu dân cư (KDC) Hiệp Bình Chánh được phê duyệt năm 2001, do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Đại Hải) làm chủ đầu tư.
Sau gần 20 năm triển khai, hơn 300 căn nhà tại đây vẫn chưa được cấp sổ hồng. Người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị giải quyết cấp sổ hồng nhưng chưa có kết quả.
Tiếp đó, Công ty K&N và chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TPHCM ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, thay vì hoàn tất thủ tục cấp sổ hồng, chủ đầu tư lại ủy quyền thế chấp đất tại ngân hàng, thậm chí sang tên cho nhiều người để tiếp tục thế chấp.
Năm 2021, Công an TP.HCM đã khởi tố ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Đại Hải, về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Đến tháng 6-2023, ông Lưu Quang Lãm, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty, cũng bị khởi tố vì "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hiện cơ quan điều tra đã yêu cầu tạm ngưng cấp sổ hồng tại dự án này do liên quan đến vụ án hình sự.