TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 8-8,5% vào năm 2025

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, Thành phố phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP từ 8-8,5% vào năm 2025.

Chỉ thị thể hiện quyết tâm của TP.HCM trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể, UBND TP.HCM đặt ra 6 mục tiêu chính:

Thứ nhất, đạt mức tăng trưởng GRDP năm 2024 ít nhất 7,5% và năm 2025 từ 8 - 8,5% với tỉ trọng kinh tế số năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%;

Thứ hai, chỉ số PCI, Par-Index (chỉ số cải cách hành chính) phấn đấu đạt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước đến cuối năm 2025;

Thứ ba, Đạt tổng diện tích nhà ở đạt từ 40 triệu m2 trở lên (chỉ tiêu Đại hội là 50 triệu m2) và xây dựng ít nhất 26.200 căn nhà ở xã hội (theo chỉ tiêu Chính phủ giao);

Thứ tư, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 6,5%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tiếp tục là động lực tăng trưởng, với mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành;

Thứ năm, Kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 10% so với năm 2023;

Thứ sáu, tỉ lệ rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hoặc tái chế đạt 80% trở lên và phát triển ít nhất 150ha đất công viên cây xanh.

TP.HCM ban hành chỉ thị tăng trưởng kinh tế đến 2025 với 6 mục tiêu

TP.HCM ban hành chỉ thị tăng trưởng kinh tế đến 2025 với 6 mục tiêu

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, UBND TP.HCM đặt ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với nhiệm vụ thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư, UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện giải pháp huy động vốn đầu tư toàn xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng, phấn đấu thu hút đạt 394.000 tỷ đồng năm 2024, đạt 422.000 tỷ đồng năm 2025.

Đồng thời, giao Ban quản lý các Khu công nghiệp và khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố chủ trì, phối hợp đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, thúc đẩy khởi công các dự án đã được TP.HCM cấp chủ trương đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistic, công nghệ số kết hợp nghiên cứu và phát triển. Song song đó, tập trung giải pháp để thu hút tổng vốn đầu tư khoảng 50.000-70.000 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương khẩn trương tham mưu hoàn thiện và triển khai Đề án sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố được giao chủ trì, phối hợp duy trì tăng trưởng tín dụng bền vững; tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Trong số 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP.HCM cũng yêu cầu thực hiện chi tiêu công hiệu quả, tiếp tục kích cầu tiêu dùng và Chương trình bình ổn thị trường.

Đồng thời, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính; thúc đẩy hợp tác kinh tế vùng; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án an sinh xã hội.

Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố làm đầu mối tổng hợp chung kết quả thực hiện của các đơn vị gắn với việc đánh giá kết quả tăng trưởng; xây dựng báo cáo Chuyên đề Báo cáo UBND Thành phố tại Phiên họp UBND Thành phố thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2024, 6 tháng 2025 và cuối năm 2025.

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP TP.HCM tăng 6,46% so với cùng kỳ, tốc độ cao nhất kể từ năm 2020. Đây là bước cải thiện đáng kể từ sau Covid-19, với tăng trưởng nửa đầu năm 2022 và 2023 chỉ dưới 4%. Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm hơn so với trước dịch (nửa đầu năm 2019 tăng 7,61%).

Trong 6 tháng qua, thương mại dịch vụ và công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ tỷ trọng lớn, là lực đỡ cho đầu tàu kinh tế. Trong đó, thương mại dịch vụ chiếm 65,6% cơ cấu, có tốc độ tăng trưởng cao nhất (7,26%) và đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng, với 4,34%.

Công nghiệp và xây dựng chiếm 21% GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 5,6%, cao nhất 3 năm qua. Sản xuất cải thiện góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu đạt 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-dat-muc-tieu-tang-truong-8-8-5-vao-nam-2025-312717.html