TP.HCM: Dấu ấn từ chuyển đổi số trong giáo dục

Năm 2024, ngành giáo dục TP.HCM đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực chuyển đổi số thông qua hợp tác chiến lược với đối tác quốc tế.

Tối 31-12, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành giáo dục TP.HCM năm 2024.

Chuyển đổi số - khai thác dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục là một trong 10 dấu ấn đặc biệt trong năm qua.

Học sinh được thụ hưởng từ lớp học Google

Thực tế chuyển đổi số của ngành giáo dục đã cho thấy điều đó.

Từ trung tâm TP, phóng viên phải chạy gần 1 tiếng đồng hồ mới tới được Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè.

Dù ở khu vực ngoại thành nhưng điều khiến PV khá bất ngờ khi thư viện của trường được đầu tư bài bản và hiện đại. Thư viện được bố trí ở lầu 1, phía ngoài là một khoảng trống được lát cỏ nhân tạo để HS có thể ngồi làm việc nhóm thoải mái. Bên trong, ngoài tủ sách, thư viện trang bị nhiều máy vi tính, máy tính bảng giúp HS tra cứu tài liệu.

Ngọc Linh, HS lớp 9 đang cùng các bạn ôn bài tại thư viện. "Không gian yên tĩnh, có nhiều loại sách tham khảo lại có máy tính để tra cứu khiến thư viện đã trở thành điểm đến quen thuộc của em. Mặt khác, giờ em được mượn sách thông qua phần mềm thay vì đến trực tiếp, điều đó giúp rút ngắn thời gian và tạo sự thuận lợi" - Linh bày tỏ.

Thư viện trường được đầu tư hiện đại với kho học liệu số đa dạng là địa chỉ lý tưởng để các giáo viên tổ chức các tiết học mở.

Không chỉ đầu tư thư viện thông minh, mô hình lớp học Google đang được nhiều trường thực hiện trong thời gian qua và đem lại hiệu quả tích cực.

Ở địa bàn khó khăn nhưng Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức vẫn tổ chức được lớp học Google trong năm học này. Để có lớp học Google, trường đã thực hiện xã hội hóa hiệu quả với 40 máy chromebook phục vụ cho lớp học. Những tiết học được tổ chức khiến học sinh thích thú vì được thực hành rất nhiều.

Là một trong những giáo viên (GV) của trường tổ chức lớp học google, cô Lê Đỗ Huyền Trang cho biết, để tổ chức lớp học, trước hết HS phải có tài khoản, phải biết truy cập và các phần mềm google. Bản thân GV phải nắm rõ các công cụ Google để sử dụng bài học một cách hiệu quả.

Dù lần đầu tiên học trên máy chromebook nhưng đa số HS thấy rất thú vị. Các ứng dụng Google giúp các em em nắm vững kiến thức, đặc biệt những trò chơi tạo sự tương tác cao.

Thư viện thông minh, lớp học Google... là những thành tựu của ngành giáo dục TP trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Trường học số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, mô hình trường học số hiện đại được triển khai dựa trên nền tảng quản lý và học tập trực tuyến tiên tiến, giúp GV và HS tiếp cận công nghệ mới nhất.

 Một giờ học tại thư viện thông minh của Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Một giờ học tại thư viện thông minh của Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức. Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn đóng vai trò then chốt trong nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy, đồng thời hỗ trợ xây dựng một hệ thống giáo dục thông minh, bền vững.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ hiện ngành giáo dục đang có 4 nhóm dữ liệu lớn gồm dữ liệu sinh học, dữ liệu GV, dữ liệu nhà trường và dữ liệu học tập trực tuyến.

Các nguồn dữ liệu này nếu được tạo điều kiện trở thành dữ liệu đầu vào của AI, sau đó thông qua hệ thống phân tích, tính toán sẽ cho ra kết quả là các dự đoán, đề xuất và hỗ trợ mang tính chất cá nhân hóa. Từ đó hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển của ngành giáo dục.

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT nhận định AI sẽ tạo ra lộ trình học tập riêng cho từng HS dựa trên khả năng và tiến độ học tập của từng em. Đối với GV, AI hỗ trợ tạo ra các bài giảng, bài tập và tài liệu học tập có khả năng tùy chỉnh, hoặc trở thành trợ lý ảo giải đáp các câu hỏi thường gặp cho HS.

Trong năm học này, TP sẽ thí điểm 2 mô hình ứng dụng AI vào giáo dục là hỗ trợ điều chỉnh lộ trình học tập và dự đoán nội dung cần bồi dưỡng kiến thức cho HS.

Giáo viên là nhân tố quyết định

Trong năm qua, các quận/huyện và TP Thủ Đức đã đạt được nhiều kết quả tốt trong ứng dụng chuyển đổi số.

 Thư viện thông minh tại Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thư viện thông minh tại Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè, cho hay đến nay hạ tầng phục vụ chuyển đổi số đã đáp ứng cơ bản yêu cầu. Bước đầu, các trường đã tổ chức kiểm tra và đánh giá HS bằng hình thức trực tuyến.

Toàn huyện Nhà Bè đã xây dựng được 4 phòng học thông minh, 4 thư viện thông minh từ nguồn ngân sách kết hợp xã hội hóa. 100% cơ sở giáo dục sử dụng các phần mềm để quản trị nhà trường. 100% trường tiểu học, THCS xây dựng kho học liệu số dùng chung cho toàn trường...

Huyện cũng tuyển sinh các lớp đầu cấp, thực hiện cấp bản sao bằng tốt nghiệp THCS theo hình thức trực tuyến; từng bước số hóa hồ sơ sổ sách. Việc ứng dụng chuyển đổi số đã góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, dạy và học toàn ngành.

Theo bà Oanh, GV là nhân tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Do đó, phát triển kỹ năng số cho GV rất quan trọng, giúp họ có thể thích nghi với thay đổi và tận dụng tiềm năng của công nghệ số.

Ngoài đào tạo, việc tạo động lực cho GV tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số cũng quan trọng không kém. Điều này được thực hiện thông qua thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, tạo cơ hội phát triển sáng tạo và nghiên cứu, công nhận thành tích của GV trong sử dụng công nghệ số.

Phòng GD&ĐT quận 3 là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD&ĐT, cho biết để thực hiện chuyển đổi số, ngành GD&ĐT đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản trị trường học và kiểm tra đánh giá HS. Đẩy mạnh tập huấn cho đội ngũ GV ứng dụng AI trong các hoạt động giảng dạy, giáo dục HS.

Bên cạnh đó, các trường quan tâm xã hội hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng và các phần mềm, học liệu số, hệ thống quản lý dạy học trực tuyến LMS (hệ thống quản lý học tập) nhằm mở rộng không gian lớp học.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức các hội thi tiếng Anh, An toàn giao thông... trên nền tảng LMS. GV chủ động tạo học liệu số để sử dụng lâu dài trên hệ thống, sử dụng nhuần nhuyễn các phần mềm hỗ trợ dạy học, tăng tính tương tác trong quá trình giảng dạy như Quizizz, Padlet, Kahoot… giúp cho giờ học luôn hào hứng.

Ông Khoa nhìn nhận trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục cũng phải đối mặt với những thách thức: Nhận thức của một số cán bộ quản lý, GV về chuyển đổi số còn chậm, chưa quen sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Một số trường học còn thiếu trang thiết bị hiện đại, kết nối internet không ổn định, ảnh hưởng đến triển khai các ứng dụng số. Cạnh đó, việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo GV để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi ngân sách giáo dục còn hạn chế.

Trước khó khăn trên, Phòng GD&ĐT quận 3 đã tham mưu với UBND quận 3 bổ sung kinh phí nâng cấp trang thiết bị, đảm bảo kết nối Internet ổn định, trang bị phần mềm quản trị và hỗ trợ giảng dạy cho các trường học trên địa bàn.

Phòng tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, cung cấp tài liệu hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật để GV tự tin sử dụng công nghệ, AI trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tiếp tục đầu tư ý tưởng, thuê viết các phần mềm quản trị phục vụ cho công việc hằng ngày của phòng GD&ĐT và ban giám hiệu các trường.

Năm 2025 sẽ có 50 trường học số đầu tiên

Mục tiêu của TP.HCM trong năm 2025 là sẽ có 50 trường học số chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025). Các tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận trường học số do UBND TP đã ban hành phù hợp với xu hướng chuyển đổi số chung của thế giới.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-dau-an-tu-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post828432.html