Chuyển CSGDĐH công lập về Bộ GDĐT quản lý vừa đảm bảo tinh gọn vừa hiệu quả

Các chuyên gia cho rằng, cơ hội để hội nhập quốc tế cũng 'rộng cửa' hơn với các trường đại học khi thống nhất một cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quận đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều đại biểu và chuyên gia.

Muốn "cởi trói" cho giáo dục đại học nên để Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhìn nhận, hệ thống cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện vẫn đang do nhiều bộ, ngành và địa phương quản lý trực tiếp.

Ông Lê Như Tiến chia sẻ: "Trước đây, có thời gian tôi đi giám sát cơ sở giáo dục đại học và nhận được một số ý kiến của lãnh đạo các trường về việc quản lý trong hệ thống giáo dục đại học ở nước ta đang bị chồng chéo. Mỗi bộ ngành, địa phương lại có cách quản lý khác nhau nên có nhiều khi chủ trương chung không được thực hiện đồng bộ và nhất quán, gây khó khăn cho các trường. Đôi lúc trường làm đề án nhưng đợi phê duyệt rất lâu vì phải qua nhiều cấp, khó có sự thống nhất. Do đó, theo tôi, chuyển các trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo".

 Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thi Thi.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Thi Thi.

Ông Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, việc chuyển các trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường khối công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giúp khắc phục những tồn tại về cơ chế xin - cho vốn đã tồn tại rất lâu.

Ông Tiến lý giải: "Trên thực tế, các bộ ngành, địa phương có rất nhiều đầu mối để quản lý. Hơn nữa, trong hệ thống trường trực thuộc cùng 1 bộ/ngành đôi lúc có tình trạng "trường điểm - trường thường". Do đó, nếu chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý trên cơ sở là hướng dẫn, kiểm tra... tạo sự công bằng để các cơ sở giáo dục đại học cạnh tranh, cùng phát triển, nâng cao chất lượng. Theo tôi, nếu vẫn nhiều bộ/ngành, địa phương tham gia quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học thì khó "cởi trói" cho các trường được tự chủ.

Rõ ràng, các trường sẽ được tạo điều kiện được tự chủ khi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tự chủ ở đây có thể là về nguồn nhân lực, tài chính và cả các điều kiện khác như là cơ sở vật chất, học thuật...".

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cũng nhìn nhận, khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tầm nhìn của các cơ sở giáo dục đại học cũng được mở rộng hơn. Bởi lúc này, giữa các trường trên cả nước sẽ có sự so sánh, đối chiếu và học tập lẫn nhau, chứ không phải chỉ cạnh tranh trong khuôn khổ bộ/ngành nữa.

Ngoài ra, cơ hội để hội nhập quốc tế cũng "rộng cửa" hơn với các trường đại học khi thống nhất một cơ quan quản lý.

"Thực tế, có trường ở bộ, ngành được đánh giá tốt nhưng nếu xếp trong hệ thống chung cả nước thì chưa đạt kỳ vọng. Do đó, khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ quản lý bằng các tiêu chí chung để phân loại, đánh giá các trường một cách thống nhất, khách quan, đúng chuyên ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đồng thời, việc này cũng giúp các trường nhận được nguồn lực cho giáo dục đào tạo một cách công bằng".

Ông Lê Như Tiến đánh giá, chuyển các cơ sở giáo đại học công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Theo ông, nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng quản lý một chủ thể thì sẽ rất lãng phí và đôi khi lại không dành nhiều trách nhiệm, khó quy trách nhiệm. Thậm chí gây ra sự chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn. Chẳng hạn, cùng một vấn đề nhưng mỗi lãnh đạo, cơ quan lại có một cách nhìn nhận khác nhau, khó đi đến sự thống nhất, các trường cũng rơi vào thế khó.

Phóng viên băn khoăn, nếu chuyển các trường đại học công lập (trừ các trường khối công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cần lưu ý những điểm gì để tinh gọn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả, thông suốt. Về vấn đề này, ông Lê Như Tiến cho hay: "Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm đối với tất cả cơ sở giáo dục đào tạo. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với lại các bộ chuyên ngành liên quan để hoạt động chuyên môn được thuận lợi.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng các cơ chế chính sách, cơ sở pháp luật để quản lý bằng pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và phân loại một cách khách quan, minh bạch. Chúng ta phải nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục, đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý điều hành đối với ngành giáo dục hướng tới sự phát triển toàn diện".

Chuyển các trường công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết

Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chuyển các trường đại học công lập (trừ các trường khối công an, quân đội) về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đầu ra thì chúng ta nên có sự sắp xếp lại hệ thống quản lý một cách đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, do đó, chuyển tất cả các trường công lập về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là hết sức cần thiết.

Chúng ta đều hiểu rằng chức năng chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo từ chất lượng, chương trình đào tạo.... Thế nên khi thống nhất quản lý nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các trường phát triển, nâng cao chất lượng một cách hiệu quả".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Thi Thi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Thi Thi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng chỉ ra có một thực tế đang tồn tại là các trường đại học chưa có sự cạnh tranh trên cùng một "sân chơi". Bà An nêu dẫn chứng, có trường trực thuộc bộ chuyên ngành nhưng chất lượng chưa được xã hội công nhận, trong khi đó, cũng cùng lĩnh vực đào tạo của bộ chuyên ngành đó nhưng trường khác trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lại được đánh giá cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực sẽ có nhiều thuận lợi khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp.

Thứ nhất, thực hiện đúng tinh thần tinh gọn bộ máy, thống nhất trong quản lý, điều hành, tránh tình trạng một cơ sở giáo dục đại học chịu sự quản lý của nhiều cơ quan.

Thứ hai, việc kiểm soát, điều chỉnh chất lượng đào tạo, kiểm định và đánh giá các trường được thực hiện đồng bộ, trên cùng một tiêu chuẩn.

Cô An lý giải: "Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xây dựng, triển khai các chính sách quản lý đồng bộ với tất cả các trường. Lúc đó sẽ những chuẩn thống nhất mà các cơ sở giáo dục đại học phải nỗ lực để đạt được, chẳng hạn về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn, chất lượng đào tạo... Khi đảm bảo hoạt động thống nhất thì mới có thể đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước".

Thứ ba, các trường có cơ hội được hội nhập, cạnh tranh lẫn nhau với quy mô cả nước. Điều này đòi hỏi bản thân mỗi cơ sở giáo dục phải tự nâng cao chất lượng thực chất để khẳng định thương hiệu. Nền giáo dục cần hướng tới cạnh tranh bình đẳng, hội nhập quốc tế, tạo ra "sân chơi chung" cho tất cả các trường.

Thứ tư, tránh sự lãng phí nguồn lực không cần thiết, thống nhất được "đầu mối" quản lý trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Cô An nhấn mạnh, chúng ta cần thực hiện tinh thần một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện.

Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi, tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, khi các trường đại học công lập (trừ khối quân đội, công an) chuyển về trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì áp lực quản lý của Bộ cũng rất lớn.

"Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý toàn bộ hệ thống đại học đa ngành trên cả nước thì đòi hỏi nguồn lực lớn và cơ chế điều hành phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta có được sự hỗ trợ rất lớn từ công nghệ thông tin, Bộ có thể xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý thông qua các nền tảng trực tuyến. Theo tôi, lĩnh vực giáo dục đào tạo thì nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thống nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ. Đồng thời, cần nhìn nhận mạnh mẽ đến vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học phải là người có phẩm cách, trình độ quản lý, nghĩa là có tâm và có tầm. Hơn thế nữa, giáo dục phải lấy sinh viên làm trung tâm, học thật, thi thật và chất lượng đầu ra phản ánh năng lực thật sự. Làm được như thế thì đất nước có thể "cất cánh", phát triển vững mạnh", cô An nhấn mạnh.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-csgddh-cong-lap-ve-bo-gddt-quan-ly-vua-dam-bao-tinh-gon-vua-hieu-qua-post248274.gd