TP.HCM đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới

Chiều ngày 25/7, Thành ủy TP. HCM tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Qua 15 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU ngày 23 tháng 12 năm 2008 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả khá quan trọng về phát triển văn học, nghệ thuật, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến ngày càng phức tạp, quá trình hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển văn học, nghệ thuật của cả nước và thành phố, song với quan điểm “Phát triển văn hóa thành phố theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của Nhân dân thành phố... định hướng, hỗ trợ sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tinh nhân văn; không ngừng nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân", Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật tại thành phố ngày càng phát triển phong phú, năng động, sáng tạo và đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phải đảm bảo tính toàn diện, chú trọng việc giữ gìn, phát huy giá trị văn học, nghệ thuật dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ phóng viên mảng văn học, nghệ thuật cả về số lượng, chất lượng; tăng cường các hoạt động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo cho công tác sáng tác, sưu tầm văn học, nghệ thuật.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định: Thành ủy luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Các cấp ủy đã có những giải pháp mới để phát huy vai trò tích cực của văn học, nghệ thuật.

Các chương trình, kế hoạch phát triển dài hạn trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật của thành phố đang tiếp tục được nỗ lực triển khai thực hiện. Thành phố luôn tạo điều kiện về chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật; quá trình thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Các đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền đang tiếp tục được thành phố quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều công trình văn hóa, nghệ thuật trong 15 năm qua luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của thành phố. Các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình thành phố có sự phối hợp tốt với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh những Thành tựu đã đạt được, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng chỉ ra những hạn chế như văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa được một số cấp ủy, chính quyền nhận thức và quan tâm đầy đủ, tương xứng. Các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng nhiều nhưng còn ít tác phẩm lớn, tầm cỡ, giá trị, một số tác phẩm đạt những giải thưởng lớn nhưng tính lan tỏa trong cộng đồng chưa cao. Chế độ, chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo sức hút, “giữ chân” các tài năng.

Công tác phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo bồi dưỡng còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập nhất là những bộ môn truyền thống. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu hậu kiểm.

Việc chấn chỉnh, khắc phục những lệch lạc, sai sót trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn có lúc chưa kịp thời, những hoạt động biến tướng chậm bị phát hiện. Việc đào tạo các cử nhân về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn rất khiêm tốn và chương trình giảng dạy còn nhiều sự bất cập. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bố không đều ở các ngành nghệ thuật...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, những giải pháp được đưa ra là: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm; cải tạo, nâng cấp các nhà hát đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những lệch lạc, sai sót trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn.

Nghiên cứu tăng mức đầu tư ngân sách cho hoạt động sáng tác, dàn dựng, quảng bá tác phẩm trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhằm xây dựng các sản phẩm nghệ thuật có tính giáo dục, giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao và mang hơi thở thời đại; có chế độ, chính sách phù hợp dành cho văn nghệ sĩ tạo sức hút, “giữ chân” các tài năng, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ đóng góp, cống hiến tài năng vì sự nghiệp phát triển văn hóa bền vững của thành phố trong thời kỳ hội nhập; chú trọng phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng; tuyển chọn cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, cần ưu tiên chọn người có năng khiếu, tâm huyết để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực...

Nghiên cứu từng bước triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố giai đoạn 2020 - 2030 đảm bảo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn thành phố trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố, góp phần quảng bá hình ảnh, con người thành phố; xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc của thành phố.

Thu Hương

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/tphcm-day-manh-xay-dung-va-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-thoi-ky-moi-c2a57268.html