TP HCM đẩy vốn kích cầu đầu tư ra thị trường

Chương trình cho vay kích cầu đầu tư của TP HCM sẽ được tái khởi động với nhiều điểm khác biệt so với trước

Nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong nước lẫn xuất khẩu khởi đầu năm 2024 khá thuận lợi, đơn hàng ổn định cho vài tháng tới. Nhận định khả năng kinh tế sẽ phục hồi mạnh từ giữa năm nên các DN đã bắt đầu lên kế hoạch dự trữ nguyên liệu, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng… để nắm bắt thời cơ mới.

Nhu cầu vay rất cao

Trong lĩnh vực sản xuất lương thực, thực phẩm, nhiều DN sản xuất gạo, thực phẩm chế biến, nông sản… đang tăng tốc sản xuất cho những đơn hàng đầu năm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết hiện nay, DN rất cần vốn với lãi suất ưu đãi để mạnh dạn đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu, Mỹ… "Chúng ta đang ở thời đại của kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và xanh hóa. Thế giới đang yêu cầu về chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, nếu DN chậm chuyển đổi, chỉ một thời gian ngắn nữa sẽ mất cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường" - bà Chi nhấn mạnh.

DN trong lĩnh vực sản xuất bao bì, dệt may, da giày, nhựa… cũng nắm bắt được tín hiệu phục hồi của thị trường nên đã mạnh dạn xúc tiến các dự án đầu tư cải tiến công nghệ, sản xuất hoặc mở rộng nhà xưởng để đáp ứng đơn hàng lớn hơn, yêu cầu cao hơn từ các đối tác. Đơn cử, Công ty Bao bì Phúc Thịnh (huyện Bình Chánh, TP HCM) đang tính toán tìm nguồn vốn rẻ để nhập thêm nguyên liệu, đầu tư máy móc, xây thêm nhà máy để đón đầu nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm ly, chén, dĩa… bằng giấy.

Tuy vậy, tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó với nhiều DN dù hiện nay, lãi suất tiền gửi đã về mức rất thấp. Một số DN phản ánh họ vẫn chưa được ngân hàng hỗ trợ triệt để. Một số quy định về cho vay, thế chấp khoản vay và định giá tài sản thế chấp quá chặt chẽ làm DN vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Do vậy, các DN kỳ vọng vào nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và TP HCM. Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, hiện nay, các DN gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, đặc biệt là vấn đề vốn để thay đổi dây chuyền công nghệ, thay đổi thói quen quản lý, thay đổi nhận thức khách hàng… nên cần sự hỗ trợ đặc biệt từ nhà nước.

Nhờ nguồn vốn của chương trình cho vay kích cầu đầu tư, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã phát triển lớn mạnh và đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Khu Công nghệ cao TP HCM

Nhờ nguồn vốn của chương trình cho vay kích cầu đầu tư, Công ty Cơ khí Duy Khanh đã phát triển lớn mạnh và đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Khu Công nghệ cao TP HCM

Chủ động tiếp cận doanh nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN, mới đây Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) và Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) đã ký kết để triển khai các giải pháp hỗ trợ lãi suất cho DN tham gia chương trình cho vay kích cầu đầu tư của thành phố. Đây sẽ là tiền đề để các DN TP HCM, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ…

Theo Kho bạc Nhà nước TP HCM, chương trình kích cầu đầu tư là một trong những chính sách đặc thù của TP HCM nhằm khuyến khích DN đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên, chủ yếu là 4 ngành công nghiệp trọng yếu, y tế, giáo dục - đào tạo, sản xuất ứng dụng công nghệ cao… Thành phố hỗ trợ theo tỉ lệ phần trăm lãi vay cho dự án của DN, tùy theo lĩnh vực đầu tư với hạn mức tối đa 100 tỉ đồng/dự án, thời gian bù lãi vay không quá 7 năm.

Từ năm 2015 đến nay, UBND TP HCM đã phê duyệt 281 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 28.884 tỉ đồng, trong đó số vốn đầu tư được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.949 tỉ đồng (chiếm 48,29%).

Từ nguồn vốn mồi của chương trình, nhiều DN đã phát triển lớn mạnh, có mặt trong tốp những DN dẫn đầu nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trọng yếu của TP HCM. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2022, chương trình bị gián đoạn. Đến cuối năm 2023, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP HCM triển khai lại chương trình này. HĐND TP HCM cũng đã thông qua Nghị quyết 09 xác định rõ những lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi đối tượng cho vay kích cầu đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV HFIC, Chủ tịch HUBA - cho rằng thời gian qua HFIC rất khó tìm kiếm các dự án tốt, hiệu quả để cho vay dù nguồn vốn rất dồi dào. Trong khi cộng đồng DN lại than quá khó tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi. "Do đó, HFIC và HUBA đã ký kết hợp tác nhằm khởi động trở lại chương trình cho vay kích cầu với tinh thần và cách làm mới.

Thay vì trước đây DN phải tìm đến HFIC đăng ký xin cho vay, HFIC chờ DN nào đến liên hệ vay vốn mới thẩm định hồ sơ thì bây giờ HFIC chủ động mời gọi các DN tham gia; còn các DN chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương án và có sự hướng dẫn của HFIC trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục vay vốn để sớm thực hiện các dự án đầu tư. Quan trọng hơn, HFIC không đơn thuần là cho DN vay mà có thể kết nối DN với các nhà cung ứng" - ông Hòa diễn giải.

Ông nói thêm cả 2 bên DN đi vay lẫn cho vay đang rất sẵn sàng, chỉ chờ sự thúc đẩy và tạo các hành lang pháp lý bằng quyết định của UBND TP. Kỳ vọng đến đầu quý II tới, thành phố sẽ có văn bản triển khai để các DN nộp dự án. HFIC sẽ chịu trách nhiệm thẩm định tính hiệu quả của dự án và chấp nhận những rủi ro trong hoạt động cho vay.

Cho vay tối đa 200 tỉ đồng

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC, cho biết đối tượng tham gia chương trình là DN, tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật DN, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập. Mức vốn vay tối đa cho mỗi dự án 200 tỉ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ mức 50%, 100% lãi suất cho các dự án tùy lĩnh vực. Thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm.

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-day-von-kich-cau-dau-tu-ra-thi-truong-19624022020572491.htm