TP.HCM đề xuất chi hàng chục tỉ đồng để bồi dưỡng cán bộ, công chức
UBND TP.HCM đề xuất HĐND TP.HCM thống nhất chủ trương chi kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo các chương trình, đề án của Thành ủy và UBND TP.
UBND TP.HCM vừa gửi HĐND TP.HCM tờ trình dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng theo các chương trình, đề án của Thành ủy và UBND TP.HCM.
UBND TP.HCM đề xuất đối tượng áp dụng gồm cán bộ, công chức, viên chức (trừ người đang công tác tại các doanh nghiệp nhà nước) được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo chỉ tiêu của Đề án 01/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP giai đoạn 2020 – 2035.
Ngoài ra còn có cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trình độ đại học theo chỉ tiêu của Đề án 04/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc - tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị TP.
Cán bộ được cử tham dự các lớp bồi dưỡng thuộc các chương trình, đề án do Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP.HCM ban hành hoặc phê duyệt theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, chức vụ, vị trí việc làm và yêu cầu của cấp có thẩm quyền (kể cả lý luận chính trị), cũng thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ này được thực hiện từ khi Nghị quyết của HĐND TP.HCM có hiệu lực thi hành đến hết 31-12-2035.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, dự kiến, Đề án 01/2021 cần 36 tỉ đồng cho giai đoạn 2022-2025, tương đương 9 tỉ đồng/năm. Đề án 04/2021 cần kinh phí hơn 15,2 tỉ đồng, phân kỳ theo từng năm.
Bồi dưỡng dành cho cán bộ các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội cấp TP.HCM, cấp huyện và cấp xã khoảng 6 tỉ đồng/năm.
Bồi dưỡng cho viên chức khoảng 25 tỉ đồng/năm; bồi dưỡng ở nước ngoài cho viên chức khoảng 7 tỉ đồng/năm.
Đối với các đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng khác của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.HCM trong thời gian tới, kinh phí sẽ dự toán trong khả năng cân đối của ngân sách khi xây dựng và triển khai thực hiện.
Theo UBND TP.HCM, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP hiện nay có rất ít người được đào tạo chuyên sâu, bài bản về lĩnh vực dân vận, dân tộc, tôn giáo. Nguồn lực trong xã hội rất hạn chế, do lĩnh vực dân tộc - tôn giáo chưa được sự quan tâm theo học của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức.
Dù hiện nay đã có một số văn bản quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các văn bản này chưa có quy định hoặc quy định chưa đầy đủ đối với các đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng.
Vì vậy, thực tiễn khi triển khai thực hiện Đề án 01, Đề án 04 và các chương trình, kế hoạch, đề án đào tạo của UBND TP.HCM đã gặp một số khó khăn khi sử dụng ngân sách để thực hiện thanh, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.