Chủ động nguồn vốn và công nghệ trong dự án đường sắt tốc độ cao

Ngay sau khi Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Cần cân đối nguồn lực tài chính, đảm bảo an toàn nợ công trong bối cảnh đầu tư Dự án này cùng nhiều dự án quan trọng khác trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2026-2030 tới đây. Ngoài ra, chủ động nguồn lực về tài chính cũng là một trong những cách để chủ động về công nghệ.

Bàn về số vốn đầu tư lên đến 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 67 tỷ USD, trải dài 12 năm, một số đại biểu cho rằng mức vốn này là khả thi trong tiềm lực kinh tế hiện có.

Một số đại biểu cho rằng: Cần phải có kế hoạch tổng thể để cân đối nguồn lực tài chính, trong bối cảnh giai đoạn 2026-2030, nguồn lực đầu tư công vẫn phải dành cho rất nhiều dự án quan trọng khác.

Đặt vấn đề: Trong khi các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều kéo dài, đội vốn,…thì dự án đường dây 500KV mạch 3 lại triển khai thần tốc, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng: Bí quyết ở đây là phải làm chủ công nghệ.

Thống nhất với đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định quan điểm: lần đầu tư đường sắt tốc độ cao này phải chọn nhà thầu tốt, nếu vay nước ngoài chỉ vay khoảng 30% để đảm bảo không phụ thuộc công nghệ, nhất là trong quá trình bảo dưỡng, vận hành sau này.

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, hiện Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Giao thông vận tải đã chủ động làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn, một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sau này khi triển khai sẽ được chỉ định là các doanh nghiệp quốc gia để nhận chuyển giao công nghệ.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/chu-dong-nguon-von-va-cong-nghe-trong-du-an-duong-sat-toc-do-cao-242891.htm