TP.HCM đề xuất không giới hạn điểm đón xe điện 4 bánh
TP.HCM đề xuất xe buýt điện có thể chạy trên các tuyến đường có bề rộng hạn chế lưu thông xe buýt, nhằm phục vụ kết nối giao thông công cộng, thúc đẩy phát triển xe năng lượng xanh trên địa bàn…
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về kết quả thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh (chạy bằng năng lượng điện hoặc xăng sinh học) phục vụ khách tham quan, du lịch ở TP.HCM. Đồng thời, kiến nghị một số giải pháp để khai thác hiệu quả hơn, phát triển xe năng lượng xanh trên địa bàn.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau thời gian thí điểm, xe điện 4 bánh đã phát huy những hiệu quả nhất định, loại hình này đáp ứng nhu cầu của nhiều khách tham quan du lịch nội đô, khu đô thị mới.
Dù vậy, xe điện 4 bánh còn gặp khó khăn, lượng khách đi lại trên các lộ trình còn thấp (nhu cầu sử dụng chủ yếu tập trung buổi tối, cuối tuần và ngày lễ) nên nhà đầu tư chưa đảm bảo chi phí hoạt động.
Trong khi đó, Công ty Mai Linh đã ngừng thực hiện tuyến xe điện D1, hiện nay cơ quan quản lý không kiểm soát được lộ trình, phạm vi và tần suất hoạt động xe thí điểm.
Do đó, hầu hết tuyến hoạt động theo lộ trình và biểu đồ xe chạy cố định nên không đáp ứng được nhu cầu khách, chưa có biện pháp đối với đơn vị tham gia thí điểm không thực hiện đúng đề án được duyệt hoặc không triển khai; cơ quan chức năng không có công cụ kiểm soát xe thí điểm.
Trước những hạn chế trên, Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất không giới hạn điểm đón của xe điện 4 bánh; xe 4 bánh chạy điện hoặc năng lượng sinh học có thể chạy trên các tuyến đường có bề rộng hạn chế lưu thông xe buýt, phục vụ kết nối giao thông công cộng.
TP.HCM có nhiều điểm tập trung cho khách du lịch trên địa bàn quận 1 (khoảng 30 vị trí, trung bình 5 vị trí/km2), quận 5 (khoảng 17 vị trí, trung bình 5 vị trí/km2).
Do đó, việc hoạt động theo lộ trình và lịch trình cố định không phát huy được ưu điểm phục vụ linh hoạt theo nhu cầu của người dân và du khách trong khu vực thí điểm.
Sở Giao thông vận tải đề xuất TP.HCM chỉ quy định phạm vi hạn chế (không bắt buộc theo tuyến) và thời gian hoạt động đối với hoạt động của phương tiện này.
Về quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng tất cả phương tiện cần được đăng ký phù hiệu định kỳ hằng năm và sử dụng thiết bị giám sát hành trình như quy định dành cho ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp có ứng dụng phần mềm vận tải để hành khách đăng ký dịch vụ và cung cấp tài khoản cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi.
Ủy ban nhân dân thành phố sẽ quy định cụ thể về thời gian, phạm vi hoạt động, trình tự, thủ tục cho phép và tổ chức quản lý hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ.
Sở Giao thông vận tải thành phố cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét các giải pháp nêu trên trong phối hợp với Bộ Công an, để đồng thời hoàn thiện hai dự án luật (dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ).
Công ty Phố Cảnh tổ chức hoạt động thí điểm 2 tuyến xe điện tại khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) gồm tuyến D2 (Sky Gaden - Cresent Mall) và D3 (Riverside Resident - Cresent Mall). Từ năm 2017 đến tháng 9/2023, công ty này thực hiện 81.958 chuyến với 220.782 lượt khách.
Mới đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saigon Public Transport trình đề xuất thí điểm xe điện 4 bánh chở khách tham quan, du lịch ở TP.HCM. Công ty này đang hoàn thiện, cập nhật đề án về chủ trương tiếp tục thí điểm một số loại hình dịch vụ vận chuyển tại TP.HCM.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-de-xuat-khong-gioi-han-diem-don-xe-dien-4-banh.htm