TP.HCM đề xuất thêm ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ
Các dự án cải tạo xây dựng lại các khu chung cư (CC) xuống cấp, hư hỏng nặng chưa đạt được tiến do chưa đủ hấp dẫn chủ đầu tư.
Ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM, nêu vấn đề này tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM tổ chức chiều ngày 10.7.2025.
Ông Dũng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trong đó có 16 chung cư có kết quả kiểm định cấp D, được đánh giá thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm, cần di dời tháo dỡ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân đang cư ngụ. Tổng số hộ dân tại 16 CC này là 1.194, đã di dời được tổng số 684 hộ.
Việc thực hiện di dời người dân tháo dỡ và xây mới các CC này đã được bắt đầu từ giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay mới có 9 CC đã hoàn tất di dời, với 7 Chung cư đã hoàn tất tháo dỡ.
Hiện có 3 CC đang thực hiện di dời dang dở gồm CC 11 Võ Văn Tần (Quận 3 cũ), CC Trúc Giang và CC Vĩnh Hội Lô A, B, C. (Quận 4 cũ).
Ngoài ra còn 4 chung cư chưa di dời bao gồm 137 Lý Thường Kiệt, và 149-151 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình (cũ), CC Tôn Thất Thuyết (Lô A, B, C) và CC Hoàng Diệu - lô Y (Quận 4 cũ).

Ông Vũ Anh Dũng, Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng, chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 10.7. Ảnh: Trung tâm Báo chí
Ông Dũng cho hay, việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, nguyên nhân do chủ trương của TP khi thực hiện các dự án cải tạo xây dựng lại nhà CC chủ yếu là huy động vốn của doanh nghiệp. Chính phủ đề ra cơ chế hút nhà đầu tư tham gia thông qua việc tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, do các CC cũ nằm trong khu vực nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc phải được tính toán trên cơ sở đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân số hiện hữu của khu vực.
Bên cạnh đó việc trình và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 và 1/500 gặp vướng, khó khăn kéo dài nên chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó thu hút nhà đầu tư tham gia.
“Thực tế có một số chung cư cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ, dưới 1.000m vuông, nên khi xây dựng lại mới nhà CC không đảm bảo cân đối việc tái định cư cho người dân và lợi nhuận cho nhà đầu tư nên không mời gọi được nhà đầu tư tham gia,” ông Dũng nhấn mạnh.
Đối với dự án mới thay thế CC cũ đã có chủ đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện, gặp nhiều vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường hỗ trợ di dời do có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. “Nếu chỉ một bộ phận người dân đang cư ngụ tại CC cấp D chưa đồng thuận với chính sách di dời, tạm cư, tái định cư sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công tác di dời, tháo dỡ, an toàn khu vực”, ông Dũng giải thích và cho biết thêm “việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước chưa bán cũng phát sinh vướng mắc do các quy định liên quan không rõ ràng, thậm chí mâu thuẫn nhau giữa các pháp luật chuyên ngành (nhà ở, quản lý tài sản công, đất đai)”.

Bên trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Báo Lao Động
Thêm cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ
Mới đây, Sở xây dựng đã tham mưu UBND TP.HCM phê duyệt Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP tại Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 27.2.2025 và kế hoạch số 4207/KH-UBND ngày 11.6.2025 về tổ chức thực hiện đề án.
Qua đó có từ nay đến 2030, hoàn tành cơ bản các công tác chuẩn bị phục vụ cải tạo xây dựng lại nhà CC được xây dựng trước năm 1975 và các nhà CC được xây dựng từ 1975-1994. Các công tác bao gồm kiểm định, quy hoạch, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi, giao đất, cấp phép xây dựng.
Đối với 16 CC đã đươc kiểm định cấp D, sẽ hoàn thành công tác xây dựng mới. Các CC cấp D phát sinh thuộc trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp sẽ theo quy định của luật nhà ở năm 2023.
Giai đoạn 2035, sẽ hoàn thành công tác sửa chữa, hoặc xây dựng lại CC cũ được xây dựng trước năm 1975.
Theo kế hoạch, thành phố cũng hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại đối với CC hư hỏng nặng, nguy hiểm, cấp D hoặc hết niên hạn sử dụng được xây dựng giai đoạn 1975-1994.
Sở cũng đề xuất giải pháp bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của nhà nước mà pháp luật đã quy định trong các nhiệm vụ bao gồm rà soát kiểm định, đánh giá chất lượng nhà CC; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, tổ chức lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà CC. Tiếp tục thực hiện cơ chế trao quyền chủ động cho cho UBND các phường xã sau sáp nhập thực hiện các công tác cải tạo xây dựng lại CC trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh các cơ chế chính sách ưu đãi có trong pháp luật về nhà ở hiện hành, TP đang xây dựng nghị quyết quy định thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư khi tham gia dự án.
Song song đó, TP sẽ phát huy vai trò các cấp chính quyền và đoàn thể trong việc tuyên truyền thuyết phục người dân tham gia ủng hộ chương trình xây dựng lại thay thế các CC cũ bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời vận động người dân tại các CC cấp D mau chóng di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Sở cũng tham mưu áp dụng biện pháp cương quyết, kịp thời xử lý các trường hợp đơn lẻ không chấp hành quy định của nhà nước, ảnh hưởng đến lợi ích chung.
Đối với các dự án xây dựng mới thay thế CC cũ đã có chủ đầu tư, hiện còn các vướng mắc liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của người dân; phát sinh vướng mắc trong việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước chưa bán do các quy định liên quan xử lý các phần diện tích trên trong rõ ràng, nhiều quy định mâu thuẫn nhau theo các pháp luật chuyên ngành, về cơ bản đã được giải quyết khi Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25.7.2024 của Chính phủ có hiệu lực thi hành.
“Thành phố sẽ tập trung giải quyết, hỗ trợ cho chủ đầu tư để đẩy nhanh, hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng, sớm khởi công hoàn thành xây dựng lại chung cư”, ông Dũng cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: Ảnh: Trung tâm Báo chí
Nhiều chung cư cũ xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy
Cũng tại cuộc họp báo, trong phần trả lời báo chí liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các chung cư cũ tại TP.HCM, ba ngày sau khi xảy ra vụ cháy gây chết người tại cư xá Độc Lập (quận Tân Phú cũ), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết phần lớn các chung cư này được xây dựng và sử dụng từ hàng chục năm trước, đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt ở hệ thống kỹ thuật và hạ tầng PCCC.
“Trên địa bàn TP.HCM có nhiều chung cư cũ xây trước năm 1975, trong đó không ít công trình hư hỏng đến mức không thể sử dụng, không có quỹ bảo trì hay kinh phí sửa chữa. Nhiều cư dân là người lao động, có thu nhập thấp, nên việc huy động đóng góp kinh phí để sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, tình trạng cơi nới, che chắn trái phép diễn ra phổ biến tại một số chung cư, góp phần làm gia tăng nguy cơ cháy nổ và gây cản trở công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố”, ông Hưởng cho biết.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM giải thích thêm mặc dù TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý, song tình trạng này vẫn còn tồn tại. Người dân nên chủ động tham gia các lớp tuyên truyền, diễn tập do địa phương và Ban Quản lý CC tổ chức; chú ý đến các yếu tố dễ gây cháy như bụi tích tụ, vật liệu dễ cháy, hệ thống điện trong nhà..
“Người dân cần ý thức được tự lo chính mình trước khi được người khác lo cho mình vì khi diễn ra cháy nổ tính bằng giây, tích tắc. Bên cạnh đó, mỗi hộ nên chủ động trang bị bình chữa cháy tại nhà, kiểm soát nguồn nhiệt, nguồn điện và lối thoát hiểm tại nơi ở để xử lý ngay khi phát sinh sự cố, hạn chế tối đa thương vong và thiệt hại”, ông Hưởng nói.
Đề nghị được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp ở chung cư An Phúc- An Lộc
Trong một vấn đề liên quan, cư dân tại CC An Phúc- An Lộc (Phường An Khánh, TP Thủ Đức cũ), cho biết công trình hiện đã xuống cấp, chất lượng kết cấu có phần không đảm bảo an toàn, đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ.
CC An Phúc - An Lộc được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 15 năm nay, với 700 hộ dân đang sinh sống. Tuy nhiên, người dân cho biết CC đang xuống cấp nghiêm trọng, cả về hạ tầng và môi trường sống. Nhiều mảng tường trong khuôn viên CC bong tróc, diện mạo cũ, thang máy cũ hết thời hạn kiểm định, hệ thống PCCC không hoạt động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Người dân mong khu CC sớm được chỉnh trang và cải tạo.
Được biết Ban Quản trị CC đã có văn bản gửi Sở xây dựng đề nghị được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp.
Đại diên Sở cho biết nhóm CC xây dựng sau năm 1975 như CC An Phúc- An Lộc nay thuộc phường Bình Trưng, thành phố chưa có chủ chương bố trí ngân sách để sửa chữa. Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của Ban Quản trị CC, Sở sẽ rà soát và tham mưu báo cáo UNBD TP.HCM hướng xử lý phù hợp.