TP.HCM: Đơn tố cáo tham nhũng rất ít nhưng tương đối phức tạp
Ông Phạm Văn Nghì, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, cho biết: Đơn tố cáo tham nhũng có nhưng rất ít và tính chất cũng tương đối phức tạp.
Ngày 6-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi làm việc với Thanh tra TP nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 30-6-2020.
Tiếp 117 đoàn đông người
Tại đây, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP thắc mắc rằng, đơn tố cáo liên quan đến vấn đề tham nhũng là có hay không, nhiều hay ít?
Trả lời cho ĐBQH, ông Phạm Văn Nghì, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, cho biết: "Đơn tố cáo tham nhũng có nhưng rất ít và tính chất cũng tương đối phức tạp".
Nói về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Thanh tra TP trong giai đoạn năm 2016 đến ngày 30-6-2020, ông Nghì thông tin: Thanh tra TP đã tổ chức tiếp thường xuyên hơn 7.000 lượt công dân, còn lãnh đạo Thanh tra TP tiếp 83 lượt. Tiếp đoàn đông người là 117 đoàn với gần 2.300 người trong 12 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn TP.
Thanh tra TP cũng đã tiếp nhận gần 8.500 đơn với hơn 2.400 đơn khiếu nại, hơn 2.300 đơn tố cáo, còn lại là đơn phản ánh, kiến nghị. Trong đó, số đơn đã xử lý đạt tỉ lệ 99,65%.
Theo Thanh tra TP, thời gian qua việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định. 100% đơn khiếu nại tố cáo, phản ánh, kiến nghị mà Thanh tra TP tiếp nhận được xử lý, trong đó tỉ lệ xử lý đơn đúng hạn đạt từ 90% trở lên. Việc hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và chuyển đơn, trả đơn với nội dung rõ ràng, nhanh chóng giúp người dân hiểu rõ hơn về quy trình, chức năng, thủ tục, đã hạn chế lãng phí tiền bạc khi thực hiện khiếu nại tố cáo không đúng thẩm quyền, thiếu căn cứ.
Liên quan đến việc tố cáo nặc danh, ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP, cũng khẳng định Thanh tra TP sẽ xem nội dung tố cáo có rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có điều kiện để xác minh không. Nếu đủ các yêu cầu trên thì một là giao cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, hai là thuộc thẩm quyền của Thanh tra TP thì Thanh tra TP cũng tiến hành xác minh.
Tham mưu tốt giải quyết đơn thư trước Đại hội Đảng
Cũng tại buổi làm việc, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu đề cập đến công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người cần được thực hiện rốt ráo để hạn chế tình trạng người dân kéo ra Hà Nội rất đông, nhất là nhân dịp Quốc hội đang họp, tập trung ở cả khu vực gần nhà các lãnh đạo Trung ương.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, chuyên viên Văn phòng UBND TP, cho biết trong thời điểm sắp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hai tháng gần đây đơn thư khiếu nại tố cáo rất nhiều.
Ông đề nghị Thanh tra TP cần đảm bảo tốt công tác tham mưu trong giải quyết tố cáo, để đảm bảo nhân sự nhân sự cho Đại hội Đảng bộ TP, đồng thời chuẩn bị tốt kì họp Quốc hội sắp tới.
Có quận lãnh đạo liên tục nhận đơn tố cáo
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhìn nhận: Có một số cán bộ của mình liên tục nhận được đơn thư, từ khiếu nại dẫn đến tố cáo. Ví dụ như một số lãnh đạo quận 9, huyện Củ Chi.
Theo ĐB Tuyết, trường hợp này là do vụ việc phức tạp đang chờ giải quyết. Đợi đến khi giải quyết vụ việc đó xong thì mới khẳng định là người dân khiếu nại cán bộ đó có đúng hay sai, lúc đó mới minh oan được cho cán bộ.
Vì vậy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP đặt vấn đề, tại sao Thanh tra TP không tham mưu với UBND TP để trả lời dứt điểm các vụ việc có liên quan đến cán bộ. “Trong đó chuyện khiếu nại liên quan đến đất đai sẽ giải quyết theo quy định, còn chuyện tố cáo cán bộ mà mình khẳng định công chức của mình, lãnh đạo của mình không sai thì nên giải quyết riêng ra để khẳng định luôn, không làm mất uy tín của cán bộ” – ĐB Tuyết đề nghị.
“ĐBQH cần khẳng định đó của cơ quan chức năng, làm cơ sở cho ĐB khi tiếp dân hoặc tiếp xúc cử tri thì có thể khẳng định rằng, liên quan vụ việc đó thì cán bộ đó không có sai” – ĐB Tuyết nói thêm.