TP.HCM được gì sau gần tháng cho thuê vỉa hè?

Sau gần 1 tháng thí điểm cho thuê vỉa hè, TP.HCM thu được hơn 770 triệu tiền phí, diện mạo nhiều tuyến đường ngăn nắp hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục.

Những tín hiệu tích cực

Nhân dịp nghỉ hè, anh Thái Ngọc Quang (Thanh Hóa) cùng cả gia đình vào TP.HCM và các tỉnh miền Tây để du lịch. Tại TP.HCM, gia đình anh thuê một khách sạn trên đường Lê Thánh Tôn (phường Bến Thành, quận 1) để thuận tiện di chuyển.

Vỉa hè được sắp xếp gọn gàng, dành phần đường rộng rãi cho người đi bộ tại đường Lê Thánh Tôn.

"Tôi khá bất ngờ với sự ngăn nắp, gọn gàng. Phần vỉa hè được chia làm 3 phần rõ ràng, ngoài cùng để xe máy, ở giữa cho người đi bộ, trong cùng để cho người dân thuê buôn bán", anh Quang nói.

Trước đây, anh Quang từng có thời gian dài công tác tại TP.HCM nên với anh câu chuyện vỉa hè bị chiếm dụng để dựng xe, bày bán hàng không có gì lạ lẫm. Người dân muốn đi bộ trên vỉa hè khá khó khăn, phải luồn lách qua xe cộ, nơi thì phải xuống lòng đường để đi…

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên các tuyến đường như: Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Võ Văn Kiệt… việc thí điểm thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, giữ xe được thực hiện khá tốt.

Mỹ quan đô thị cải thiện sau khi cho thuê vỉa hè, hình ảnh chụp trên đường Trần Hưng Đạo.

Mỹ quan đô thị vì vậy được cải thiện hơn rất nhiều. So với thời điểm mới triển khai, số hộ thuê vỉa hè cũng nhiều hơn, bàn ghế, vật dụng kinh doanh buôn bán được bày biện gọn gàng, đúng vạch quy định.

Chị Minh Hà, bán nước giải khát trên đường Lê Thánh Tôn cho biết, ban đầu chị không thuê vì sợ đội thêm chi phí. Để tiếp tục buôn bán, chị dọn dẹp phía trong nhà và để gọn xe nước vào bên trong. Thế nhưng, việc buôn bán trở nên ế ẩm hơn rất nhiều so với để xe nước ngoài vỉa hè.

"Tôi chủ yếu bán nước cho khách vãng lai, để khuất trong nhà không ai thấy. Vậy là tôi quyết định thuê, tháng trả khoảng 200 nghìn đồng nhưng buôn bán được, lại không lo bị tịch thu đồ", chị nói.

Chị Kim Ngoan, chủ quán phở Hà trên đường Hải Triều chia sẻ, với việc thuê 8m vỉa hè (giá 800 nghìn đồng/tháng), quán có thêm diện tích để buôn bán, có thể kê thêm bàn. Mức giá cho thuê như vậy theo chị là phù hợp.

Vẫn cần quản chặt hơn

Dù vậy, theo ghi nhận của PV, một số tuyến thí điểm cho thuê vỉa hè, ý thức của người dân chưa thực sự tốt. Cụ thể, một số hộ vẫn sắp xếp xe cộ, đồ đạc buôn bán chiếm hết phần vỉa hè, không dành đường cho người đi bộ.

Hình ảnh lộn xộn trên vỉa hè đường Cô Bắc. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị choán hết chỗ.

Trên đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh), tình trạng sử dụng vỉa hè khá lộn xộn cả khu vực đã kẻ vạch cho thuê lẫn khu vực vỉa hè chưa đủ điều kiện. Nhiều hộ kinh doanh bày hàng hóa, bàn ghế tràn ra vỉa hè, những chỗ thông thoáng còn lại thì dựng xe máy, đẩy người đi bộ xuống đường.

Ha Bi (20 tuổi), sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, em thường xuyên đi bộ qua đường Cô Bắc, tuy nhiên việc đi trên vỉa hè khá khó khăn: "Em thậm chí phải lách ra gần tim đường vì xe cộ chiếm chỗ. Theo em, cần có biện pháp xử lý để đảm bảo giao thông an toàn", Ha Bi nói.

Một số người dân cũng đang "bối rối" với việc thuê vỉa hè. Những người này chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ, thuê lại mặt bằng vỉa hè của người dân. Chị An, một tiểu thương bán rau trên đường Cô Bắc cho biết, chị thuê vỉa hè trước nhà dân với giá 2 triệu đồng/tháng. Sắp tới, nếu muốn buôn bán tiếp ở đây, chị sẽ phải trả thêm tiền thuê vỉa hè cho chính quyền, với giá khoảng 300 nghìn đồng/tháng.

"Vẫn biết vỉa hè là của Nhà nước, nhưng mình buôn bán trước cửa nhà người ta thì phải trả tiền. Giờ phải trả thêm tiền để thuê vỉa hè, nghĩ cũng áp lực. Chưa kể, nghe nói có giấy phép kinh doanh mới được thuê, tôi rối quá", chị An nói.

Ba tuần thí điểm dự kiến thu hơn 770 triệu đồng

Trước đó, theo thông tin từ UBND quận 1, sau 3 tuần thí điểm cho người dân thuê một phần vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, 11 tuyến đường trên địa bàn có 193 hộ đăng ký thuê, dự kiến mức phí cho thuê hơn 770 triệu đồng. Quận 1 đã thu gần 250 triệu đồng từ người dân.

Cụ thể, phường Bến Thành có số lượng đăng ký thuê một phần vỉa hè nhiều nhất, với 129 hộ thuê. Kế đó là phường Đa Kao với 15 hộ thuê, phường Cầu Ông Lãnh 12 hộ... Về tuyến đường, đường Lê Thánh Tôn dẫn đầu với 71 hộ đã đăng ký thuê; Đường Phan Bội Châu có 34 hộ, đường Phan Chu Trinh có 23 hộ, đường Trần Hưng Đạo có 21 hộ... Quận 1 sẽ thí điểm thu phí vỉa hè đến hết 30/9.

Với các địa phương khác, đến thời điểm này, nhiều quận, huyện đã gửi đề xuất tuyến đường thí điểm thu phí vỉa hè lên Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan, dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-duoc-gi-sau-gan-thang-cho-thue-via-he-192240603223357627.htm