TP.HCM: Gần 13.000 phòng trọ có nguy cơ đóng cửa

Với việc siết chặt quản lý nhà trọ, dự kiến sẽ có khoảng 12.800/60.500 công trình nhà trọ không đủ điều kiện an toàn phòng cháy để tiếp tục hoạt động.

Chiều 8/8, thông tin tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, bà Lê Thị Loan, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị đang thực hiện dự thảo Đề cương Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM.

Bà Lê Thị Loan, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân.

Bà Lê Thị Loan, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Xây dựng TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân.

Theo bà Loan, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân cho thuê trọ đang là nguồn cung chính đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp, trước bối cảnh nhu cầu thuê trọ để sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM là rất lớn trong thời gian qua.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn thành phố. Tổng số phòng trọ là 560.220 và hơn 1,4 triệu người đang thuê.

Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là phần lớn các công trình này đều xây dựng trái phép hoặc tự ý cải tạo, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và quy định xây dựng.

Theo kết quả khảo sát ban đầu, có khoảng 12.800/60.500 công trình (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động cần phải thực hiện chuyển đổi, cải tạo để đạt tiêu chí của quy định tối thiểu.

Sẽ có khoảng 12.800/60.500 công trình nhà trọ không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Sẽ có khoảng 12.800/60.500 công trình nhà trọ không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, việc xây dựng và thực hiện Đề án Quản lý, hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ tại TP.HCM là cần thiết.

"Mục tiêu chính của Đề án là đưa đối tượng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ vào quản lý chặt chẽ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ, bảo vệ sự an toàn của người dân; không làm gián đoạn nguồn cung do tăng giá cho thuê, giải quyết hài hòa mục tiêu an sinh xã hội của nhà nước, lợi ích của chủ nhà trọ và người thuê", bà Loan nói.

Đây cũng sẽ là tiền đề về điều kiện an toàn cho thuê trọ để thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ và quản lý nhà nước đối với nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ.

Về lộ trình thực hiện, sau khi UBND thành phố thông qua chủ trương, phê duyệt đề cương đề án, các sở, ngành sẽ khẩn trương triển khai thực hiện hoàn thành các sản phẩm, các giải pháp quản lý và hỗ trợ nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ trình UBND thành phố chậm nhất là tháng 12/2024.

Theo đề án, hẻm xây dựng nhà ở riêng lẻ có mục đích cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu 3-4m để đảm bảo xe cứu hỏa tiếp cận.

Trường hợp hẻm không đủ rộng cho xe cứu hỏa tiếp cận thì nhà phải cách mặt đường chính không quá 100m để đường ống nước chữa cháy của xe cứu hỏa vào được đến nơi có sự cố.

Mọi phòng ở trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn;

Thống nhất được tiêu chí diện tích tối thiểu m2 sàn/người, tạm thời đề xuất là 5m2/người để có giới hạn số lượng người trên mỗi phòng và giới hạn số lượng phòng trong mỗi công trình nhà trọ không tập trung quá đông người.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-gan-13000-phong-tro-co-nguy-co-dong-cua-192240808180712138.htm