TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công gặp khó

Năm 2023,Thủ tướng Chính phủ giao thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) giải ngân đầu tư công ít nhất đạt 95%. Mặc dù đã quyết liệt, khẩn trưởng nhưng 8 tháng đầu năm 2023, tốc độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM cũng chỉ mới đạt 27%. Thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều, TP.HCM sẽ phải quyết liệt và khẩn trương hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp mới có thể đạt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM cho biết: Tính đến hết ngày 17/8/2023 tổng số vốn đầu tư công năm 2023 mà Thành phố đã giải ngân được là 19.133 tỷ đồng, đạt 27% tổng mức vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện nay TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc tại một số dự án trọng điểm. Cụ thể, tại dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), một số công tác đặc thù như cập nhật dự toán gói thầu chưa có trong hệ thống định mức được ban hành. Khó khăn trong việc gia hạn các Thỏa thuận vay đã ký và Thỏa thuận vay từ nhà tài trợ KfW (gói thầu CS2B, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án). Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 gặp vướng mắc trong việc thẩm định và phê duyệt hạng mục hệ thống pin mặt trời.

Đáng chú ý là khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặc dù Thành phố đã quyết tâm tháo gỡ, đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để làm cơ sở thực hiện, thành lập riêng Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa tốt; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa sát, dẫn đến số liệu chưa chính xác, khi đi vào thực tế công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh dự án, chậm tiến độ triển khai theo kế hoạch.

Tại TP.HCM, nhiều dự án vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Tại TP.HCM, nhiều dự án vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Một số dự án không nhận được sự đồng thuận thống nhất, phải tạm dừng lại xem xét, giải quyết khiếu nại nên ảnh hưởng tiến độ. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến phương án di dời hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; vẫn còn tình trạng đổ lỗi cho công tác giải phóng mặt bằng để cố tình dây dưa, kéo dài thời gian và không muốn đẩy nhanh tiến độ thi công. Năng lực tài chính của một số doanh nghiệp thi công không đảm bảo, đặc biệt là các công trình lớn, trọng điểm còn xuất hiện tình trạng thi công theo kiểu cầm chừng chờ giá nguyên vật liệu giảm hoặc bổ sung thêm nguồn lực.

Trước tình trạng này, UBND TP.HCM đã liên tục có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án và quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn. Rà soát các dự án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, giải quyết, đề xuất các giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể, đồng thời quyết liệt đeo bám, theo dõi và triển khai đến khi dự án hoàn thành.

Đối với các dự án chậm giải ngân do chủ đầu tư, UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương rà soát, theo sát, chấn chỉnh, đôn đốc các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.

Đối với các dự án chậm do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng thi công cho các chủ đầu tư thực hiện theo tiến độ.

UBND TP.HCM cũng giao Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (do Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ trưởng) theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác đo vẽ, kiểm đếm của các địa phương, tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân...

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát.

Thi công dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát.

Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức giải quyết ngay các các dự án có khó khăn, vướng mắc liên quan căn hộ tái định cư cho các địa phương để đảm bảo tiến độ thực hiện của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đối với các dự án chậm giải ngân do các Sở ngành, UBND TP.HCM giao các Sở ngành khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư giải quyết các thủ tục liên quan theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND Thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo.

Trong khi đó, đối với các dự án chậm hoặc chưa giải ngân do thủ tục quyết toán, UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành, trình Sở Tài chính (đối với nguồn vốn Ngân sách Thành phố tập trung), Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức (đối với nguồn vốn Ngân sách Thành phố bổ sung có mục tiêu và vốn Ngân sách quận trước đây). Sở Tài chính, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ra soát, rút ngắn thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành so với quy định.

Ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy TP.HCM đã thành lập 13 Tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy để giám sát tiến độ thực hiện của 38 dự án lớn, quan trọng (kế hoạch vốn bố trí cho các dự án này là 49.694 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70% tổng kế hoạch vốn 2023 được giao).

Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã thành lập Đoàn giám sát để tổ chức giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025 và đã giám sát thực tế tại hiện trường nhiều dự án lớn, quan trọng và tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư, các địa phương quản lý dự án.

UBND Thành phố cũng đã trình HĐND Thành phố thông qua việc bổ sung tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn Ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 hơn 78.730 tỷ đồng từ nguồn thu dự kiến tăng thêm của Thành phố; đồng thời, trình HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư của 37 dự án nhóm B đề xuất sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm…

Ngoài ra, UBND TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, trong đó xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của tập thể và lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND thành phố Thủ Đức, các quận huyện và các chủ đầu tư.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-giai-ngan-von-dau-tu-cong-gap-kho-159712.html