TP.HCM giảm tải bộ máy, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững

TP.HCM dự kiến sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, chuyển đổi ban quản lý, giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính thuộc UBND, tinh gọn bộ máy hiệu quả.

TP.HCM đang lên kế hoạch tái cấu trúc bộ máy chính quyền và các cơ quan thuộc Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hiện đại hóa hệ thống chính trị. Đề xuất này được đưa ra tại hội nghị triển khai tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, diễn ra vào chiều 4/12, với sự tham dự của Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Văn Thị Bạch Tuyết.

Theo định hướng, khối chính quyền TP.HCM sẽ thực hiện nhiều thay đổi quan trọng, bao gồm việc sáp nhập hoặc giải thể một số sở, ban, ngành. Cụ thể, thành phố nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư, chuyển Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc. Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được đề xuất sáp nhập, trong khi Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông sẽ chuyển thành đơn vị trực thuộc.

Để tối ưu hóa nhiệm vụ quản lý nhà nước, TP.HCM đề xuất sáp nhập Sở Tài nguyên - Môi trường với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, đồng thời chuyển một số nhiệm vụ của hai sở này sang các đơn vị khác. Các sở Du lịch và Văn hóa - Thể thao dự kiến hợp nhất để tạo sự đồng bộ trong phát triển văn hóa và du lịch. Ngoài ra, Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ sẽ sáp nhập nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được nghiên cứu chấm dứt hoạt động, chuyển giao các nhiệm vụ cho các sở liên quan.

Trong khối Đảng, TP.HCM đưa ra định hướng sáp nhập Ban Tuyên giáo với Ban Dân vận Thành ủy, đồng thời kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng. Thành phố sẽ thành lập hai Đảng bộ trực thuộc mới, bao gồm Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp và Đảng bộ Khối chính quyền. Các tổ chức Đảng trong các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP sẽ được chuyển về trực thuộc Đảng bộ Khối chính quyền.

Phương án này, nếu thực hiện sẽ giúp TP.HCM giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính thuộc UBND, cùng 24 đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Đây được xem là bước đi quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy khẳng định, toàn bộ quá trình này sẽ được thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, đảm bảo phù hợp với chỉ đạo của Trung ương và chủ trương của Bộ Chính trị.

Văn Dũng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-giam-tai-bo-may-tap-trung-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-95311.html