TP.HCM: Học sinh chấm điểm, phụ huynh tham gia quy trình bữa ăn bán trú

Để cải thiện bữa ăn bán trú, nhiều nhà trường ở TP.HCM đã tổ chức những quy trình như tổ chức những buổi dành cho phụ huynh tham quan quy trình phục vụ suất ăn, cân chia, lưu mẫu và phân phối đến từng lớp cũng như cùng ăn cơm với con tại trường. Đặc biệt, mỗi tháng nhà trường tổ chức cho học sinh chấm điểm chất lượng bữa ăn.

Năm học 2023 – 2024, nhiều cơ sở tự tổ chức các mô hình khảo sát để học sinh “chấm điểm” bữa ăn bán trú bằng nhiều cách khác nhau.

Học sinh “chấm điểm”, phụ huynh yên tâm

Năm học này, bếp ăn bán trú của Trường THCS Minh Đức (quận 1) tạm ngưng hoạt động do trường đang sửa chữa, xây dựng lại một số hạng mục. Vì vậy, các suất ăn bán trú của trường được cung cấp từ bếp ăn công nghiệp.

Các trường ở TP.HCM chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau để học sinh đánh giá bữa ăn bán trú.

Các trường ở TP.HCM chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau để học sinh đánh giá bữa ăn bán trú.

Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, Ban giám hiệu đặc biệt chú trọng về công tác tổ chức bữa ăn bán trú. Nhà trường thực hiện công khai thực đơn bán trú, tổ chức những buổi dành cho phụ huynh tham quan quy trình phục vụ suất ăn, cân chia, lưu mẫu và phân phối đến từng lớp cũng như cùng ăn cơm với con tại trường.

“Ban giám hiệu cùng các cán bộ, giáo viên trong trường còn kiểm tra bếp ăn công nghiệp thường xuyên, định kỳ cùng với phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, mỗi tháng một lần, nhà trường tổ chức cho học sinh “chấm điểm” chất lượng bữa ăn bán trú trong thực đơn trong tháng”, bà An cho hay.

Bà An cho biết, nhà trường đưa ra bốn mức đánh giá gồm: Rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ. Sau khi học sinh đánh giá, cán bộ phụ trách sẽ phân tích các dữ liệu và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh sao cho phù hợp.

Theo bà An, vấn đề không hợp khẩu vị trong thời gian đầu áp dụng suất ăn công nghiệp là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận những đánh giá, đơn vị cung cấp suất ăn đã có sự thay đổi để đáp ứng như cầu phụ huynh, học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM).

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM).

“Hiện, trường có khoảng 50 học sinh mang cơm từ nhà đến trường ăn trưa. Chỉ cần phụ huynh viết đơn minh bạch trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì học sinh hoàn toàn có thể đem cơm từ nhà đến trường ăn trưa”, bà An lưu ý.

Có con học tại một trường THCS trên địa bàn thành phố Thủ Đức, anh Bùi Ninh cho hay, trường con anh Ninh cũng tổ chức cho học sinh đánh giá bữa ăn bán trú với 2 sự lựa chọn: Có chất lượng và không có chất lượng.

“Tôi cảm thấy nhà trường tự tổ chức bếp ăn bán trú là hợp lý và dễ dàng trong việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng bữa ăn. Phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm hơn rất nhiều khi để một đơn vị bên ngoài cung cấp bữa trưa bán trú cho các con”, anh Ninh bày tỏ.

Lãnh đạo một trườn phải đặt nấu suất ăn bán trú cho học sinh ở quận 3, giải bày, trường nào cũng muốn tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh tại trường vì dễ quản lý và thường xuyên kiểm tra. Tuy nhiên, không phải cơ sở giáo dục nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện.

Mỗi cơ sở, một mô hình đánh giá

Thực tế, giai đoạn vừa qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú của các cơ sở giáo dục nhận suất ăn chế biến sẵn từ các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ngoài nhà trường gặp rất nhiều vấn đề.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) xếp hàng để nhận bữa ăn bán trú tại trường.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) xếp hàng để nhận bữa ăn bán trú tại trường.

Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhận định, việc đảm bảo bữa ăn học đường cho học sinh là trách nhiệm của nhiều đơn vị, không riêng ngành GD&ĐT.

“3 tiêu chí để đảm bảo suất ăn bán trú cho học sinh là an toàn, khẩu phần, ngon. Mục tiêu cuối cùng phải đảm bảo suất ăn của học sinh đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng’, ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cho biết, hàng năm, Sở đều phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức tập huấn công tác về bữa ăn bán trú cho Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố.

“Nội dung tập huấn tập trung về việc tổ chức bữa ăn bán trú; chỉ rõ vai trò của nhà trường và gia đình trong tổ chức bữa ăn bán trú. Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ được hướng dẫn tự đánh giá công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học theo công cụ đánh giá gồm 7 nhóm tiêu chí của Bộ GD&ĐT ban hành”, ông Dũng cho hay.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TP.HCM).

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3, TP.HCM).

Theo ông Dũng, các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong việc triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, quản lý sức khỏe học sinh và đánh giá công tác tổ chức bữa ăn bán trú tại trường bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Qua các buổi tập huấn, các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện đánh giá công tác tổ chức bữa ăn bán trú, thu thập và tổng hợp dữ liệu được, đảm bảo thực hiện khoa học, kịp thời phục vụ công tác quản lý của ngành GD&ĐT các cấp.

Ông Dũng khẳng định, Sở GD&ĐT chỉ hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá dựa trên tiêu chí của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức bữa ăn bán trú, Sở không đưa ra phương pháp hay mô hình chuẩn điểm nào.

“Tuyệt đối, không so sánh mô hình, phương pháp đánh giá giữa các cơ sở giáo dục vì mỗi cơ sở giáo dục sẽ có cách đánh giá khác nhau, phù hợp với học sinh của cơ sở đó. Miễn sao, các cách đánh giá đảm bảo không gây ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh; hướng đến mục tiêu cuối cùng là học sinh có bữa ăn bán trú tại trường an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-hoc-sinh-cham-diem-phu-huynh-tham-gia-quy-trinh-bua-an-ban-tru-164533.html