TP.HCM hồi sinh dự án khu đô thị 423 ha Bình Quới - Thanh Đa sau hơn 30 năm treo
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 423 ha được TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, hứa hẹn hồi sinh vùng đất từng bị 'lãng quên' hơn 30 năm qua.
Khu đô thị sinh thái 423 ha sắp "hồi sinh"
Sau hơn 3 thập niên trong tình trạng quy hoạch treo, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (nay thuộc phường Bình Quới, TP.HCM) đang bước vào giai đoạn tái khởi động với kỳ vọng trở thành khu đô thị du lịch sinh thái hiện đại ven sông Sài Gòn.

Khu vực Thanh Đa rộng 423 ha, nằm cạnh dòng sông Sài Gòn, sở hữu cảnh quan thiên nhiên độc đáo và hiếm có dù phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, hoang hóa chưa được khai thác.
Theo đó, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 423 ha, chưa bao gồm diện tích mặt nước. Phạm vi nghiên cứu rộng 549,4 ha, trong đó 125,79 ha là mặt nước sông Sài Gòn.

Hơn 30 năm kể từ khi có chủ trương quy hoạch, dự án khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa vẫn nằm trên giấy, cuộc sống của người dân đầy khó khăn giữa lòng thành phố hiện đại.
Theo định hướng, nơi đây sẽ phát triển thành khu đô thị sinh thái - du lịch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, kết hợp các vùng chức năng như trung tâm đô thị cao tầng, công viên ngập nước, nhà ở, văn phòng, khách sạn, dịch vụ thương mại và văn hóa ven sông.
Khu vực này cũng sẽ tạo lập các vùng cảnh quan sinh thái tự nhiên, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích không gian xanh, hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa với đặc điểm địa hình đặc thù của bán đảo.

Hiện khu vực này tồn tại hàng loạt ngôi nhà cũ được dựng lên bằng tôn. Đây là nơi sinh sống của nhiều gia đình giữa lòng trung tâm đô thị lớn và hiện đại nhất nước.
Dự kiến, khu đô thị sẽ đón khoảng 54.000 cư dân, số liệu cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án quy hoạch chi tiết, phù hợp với quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Thời gian lập đồ án tối đa là 9 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ.
Sở Xây dựng TP.HCM là đơn vị thẩm định, UBND phường Bình Quới sẽ tổ chức lập đồ án quy hoạch, phối hợp đơn vị tư vấn bảo đảm số liệu hiện trạng chính xác. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai công tác xây dựng và phát triển đô thị theo định hướng mới.

Con đường nhỏ ở phường Bình Quới (TP.HCM) hiện cỏ dại mọc um tùm, hạ tầng xuống cấp.
Hơn 30 năm chờ 'đổi đời'
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa từng được kỳ vọng sẽ làm thay da đổi thịt cả một vùng bán đảo rộng hơn 427 ha - nơi sở hữu vị trí đắc địa, được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. Nhưng suốt hơn 30 năm qua, thứ duy nhất người dân được chứng kiến không phải là sự phát triển mà là vòng luẩn quẩn của quy hoạch treo, nhà đầu tư thay phiên đến rồi đi.

Trái ngược với bán đảo Thanh Đa còn ngổn ngang và xuống cấp, phía bên kia bờ sông Sài Gòn là khu vực cảng và đô thị hiện đại phát triển nhanh chóng, cho thấy sự chênh lệch rõ nét về hạ tầng giữa hai bờ sông.
Ngay từ trước năm 1975, khu vực này đã được xây dựng 23 lô chung cư trên diện tích 36 ha, tạo thành một cụm nhà ở lớn nằm phía bên kia cầu Kinh. Năm 1992, nơi đây được quy hoạch thành khu du lịch văn hóa - giải trí, nhưng đến năm 2000 mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO), rồi lại thu hồi vào năm 2010 vì năng lực tài chính yếu.
Kỳ vọng nhen nhóm trở lại năm 2015, khi TP.HCM chỉ định liên danh Tập đoàn Bitexco và một doanh nghiệp nước ngoài làm nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, công ty nước ngoài xin rút lui vì “không đủ kiên nhẫn để chờ được bàn giao mặt bằng”.


Bến phà Bình Quới ngưng hoạt động nhiều năm qua khiến việc đi lại của người dân bán đảo Thanh Đa thêm phần cách trở, phụ thuộc hoàn toàn vào tuyến đường bộ duy nhất nối với trung tâm TP.HCM.
Kể từ đó, dự án tiếp tục “ngủ đông”, kéo theo cuộc sống người dân cũng như bị đóng băng: không xây mới, không sửa chữa, không được tách thửa hay chuyển nhượng.
"Nhà tôi mưa thì dột, nắng thì nóng, tường gạch cũ, muốn sửa cũng không được. Nghe hai chữ ‘quy hoạch’ mà nản, không muốn nhắc nữa", ông Lê Văn Cường (ngụ phường Bình Quới) lắc đầu nói. Gia đình ông đã sống qua ba thế hệ trên mảnh đất này, chứng kiến bao lần “đo đạc, khảo sát, hứa hẹn”…rồi chìm vào im lặng.
Không riêng ông Cường mà tâm lý chung của người dân phường Bình Quới là cần những hành động cụ thể: một kế hoạch rõ ràng, thời hạn thực thi minh bạch và quyền lợi được đảm bảo sau hàng chục năm sống trong vùng mù mờ chính sách.

Toàn cảnh khu vực Bình Quới nhìn từ trên cao cho thấy khung cảnh đầm lầy, ruộng ao, xen kẽ nhà cửa thưa thớt, mang đậm nét hoang sơ như một vùng quê, dù chỉ cách trung tâm TP.HCM vài km.
Cũng trong kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM năm 2018, ông Phan Nguyễn Như Khuê - nay là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy - đã thốt lên cụm từ “quá sức chịu đựng” khi nhắc đến 26 năm đằng đẵng sống trong vùng quy hoạch treo của người dân Thanh Đa. Tại thời điểm đó, lãnh đạo TP từng cam kết sẽ dứt điểm dự án, trả lại vị thế xứng đáng cho “hòn ngọc” ven sông này.

Nếu không có tòa nhà Lanmark 81 đằng xa thì khó có thể biết Bình Quới - Thanh Đa ở ngay trung tâm TP.HCM.
Tại bán đảo Thanh Đa, những mái tôn xiêu vẹo, đường mòn trũng nước như tô đậm thêm sự tương phản giữa một bên là Thảo Điền hiện đại, bên kia là “vùng quê giữa lòng thành phố”.
Bà Trần Thị Hằng (ngụ phường Bình Quới) bộc bạch: "Chúng tôi không đòi nhà cao cửa rộng, chỉ cần một cuộc sống ổn định, được sửa nhà, có đường xá tử tế… Thế thôi đã là mơ ước suốt bao năm nay rồi".
Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đang đứng trước cơ hội lớn để trở mình, từ một vùng đất ngập nước, bị lãng quên, thành một đô thị du lịch sinh thái tầm cỡ. Người dân đang mong điều đó sẽ sớm thành hiện thực để giấc mơ thoát nghèo, thoát khổ không phải kéo dài.