TP.HCM: Hơn 210.000 tỷ đồng làm 7 tuyến metro huy động thế nào?
Theo Sở GTVT TP.HCM, vốn đầu tư cho các dự án metro rất lớn, bởi đi qua khu đô thị, tốn chi phí cho GPMB.
Ngoài 2 tuyến metro đã sắp hoàn thiện và khởi công, hiện còn có 7 tuyến metro với tổng vốn đầu tư khoảng 210.755 tỷ đồng đang nghiên cứu hoặc kêu gọi đầu tư. Bài toán đặt ra lúc này là lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?
Toàn dự án vốn “khủng”
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến nay đã thi công được trên 93% khối lượng. Các nhà thầu đang tất bật hoàn thiện phần cơ điện tại các nhà ga Bến Thành, Ba Son và đường trên cao. Theo kế hoạch, cuối năm 2023 metro số 1 mới có thể vận hành chính thức.
Như vậy, để hoàn thành tuyến metro số 1 TP.HCM phải mất hơn 10 năm, từ GPMB đến tìm kiếm nguồn vốn và thi công. Tổng mức đầu tư của metro số 1 là gần 44.000 tỷ đồng và nhiều lần phải thay đổi tổng mức đầu tư vì trượt giá, gia hạn hiệp định vay vốn ODA.
Những ngày qua, dọc đường Cách mạng tháng Tám từ quận 3 đến quận Tân Bình đang được đẩy nhanh công tác GPMB. Nhiều nhà cửa dọc hai bên tuyến đường này đã được dỡ bỏ, mở rộng theo lộ giới đã quy hoạch để chuẩn bị làm metro số 2. Đến nay 84,7% mặt bằng đã được bàn giao cho dự án.
Tuyến metro số 2 có chiều dài 11,32km từ Bến Thành, quận 1 đến Tham Lương, quận 12, có 1 ga trên cao và 9 ga ngầm. Tổng mức đầu tư của tuyến này là 47.890 tỷ đồng, tuy vậy đến nay vẫn chưa chốt ngày khởi công.
Theo Sở GTVT TP.HCM, vốn đầu tư cho các dự án metro rất lớn, bởi đi qua khu đô thị, tốn chi phí cho GPMB. Hiện còn 7 tuyến metro với tổng vốn đầu tư khoảng 210.755 tỷ đồng đang nghiên cứu hoặc kêu gọi đầu tư.
Cụ thể như tuyến metro số 5 giai đoạn 1 từ Ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình) - cầu Sài Gòn có chiều dài 8,9km, tổng mức đầu tư 10.668 tỷ đồng; Tuyến metro 3a (Bến Thành - Bến xe miền Tây) dài 10km vốn đầu tư 41.860 tỷ đồng; Metro số 4 giai đoạn 1 dài 20km (từ Thạnh Xuân - Nguyễn Văn Linh) 58.185 tỷ đồng; Metro số 3b (Ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) dài 12,1km vốn đầu tư 41.140 tỷ đồng. Hay như đoạn rất ngắn của tuyến metro 4b từ công viên Gia Định đến Lăng Cha Cả chỉ 5,2km nhưng vốn đầu tư lên đến 24.200 tỷ đồng.
Danh mục các dự án này đã được lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021- 2035. Tuy nhiên, nguồn vốn cụ thể ở đâu vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
TOD là câu trả lời?
Trong văn bản đầu tháng 11 của Sở GTVT trình UBND TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho rằng trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, vốn ODA khó thu hút… cần nghiên cứu đề xuất phương thức huy động vốn mới để phát triển hạ tầng giao thông.
Trong đó, phương thức khai thác quỹ đất khu vực xung quanh các nhà ga đường sắt và vùng phụ cận các tuyến vành đai, cao tốc gắn với phát triển đô thị theo mô hình TOD là cần thiết.
Tại hội thảo về quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM mới tổ chức, TS. Vũ Anh Tuấn (Trường Đại học Việt Đức), thành viên nhóm nghiên cứu của Koica đã trình bày phương án phát triển TOD cho tuyến metro số 5 giai đoạn 2 từ sân bay Tân Sơn Nhất - Nguyễn Văn Linh và nhận thấy rất tiềm năng.
Tuyến có chiều dài 14,547km, với 13 ga đi qua 3 khu vực có đặc điểm phát triển khác nhau. Cụ thể, các ga từ số 1 đến 5 qua các khu vực nông thôn; ga số 6, 7 qua khu vực ngoại ô đang phát triển và ga số 8 đến 13 qua các khu vực trung tâm.
Nhóm đã chọn ga số 6 (khu vực ven đô) để đề xuất xây dựng mô hình TOD vì cho rằng vị trí ga S6 nằm trên điểm giao nhau với trục đường Nguyễn Văn Linh nên sẽ rất hấp dẫn nhà đầu tư.
Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 chiến lược tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng và vận hành metro số 5 giai đoạn 2. Trong đó chiến lược số 1 là một đơn vị nào đó của thành phố tham gia dự án phát triển bất động sản theo mô hình TOD và sẽ nhận được cổ tức từ phát triển TOD nhà ga S6, cộng với doanh thu vé hàng năm. Nguồn thu dự kiến khoảng 707 triệu USD.
“Nếu so với tổng mức đầu tư của toàn tuyến metro số 5 giai đoạn 2 là 1,6 tỷ USD, chỉ riêng mô hình TOD của ga S6 đã góp được 54% nguồn vốn ban đầu”, ông Tuấn khẳng định.
Theo PGS. TS. Phạm Xuân Mai (giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM), TOD sẽ là phương thức huy động vốn tốt cho các dự án metro và giao thông giai đoạn tới. Kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan… đã cho thấy điều này.
“Vùng TP.HCM sẽ làm hệ thống đường sắt theo phương thức này. Nhà nước dành 3.522ha để làm giao thông và đô thị vùng. Tính giá thấp nhất là 20 triệu đồng/m2 sẽ thu được 704.000 tỷ đồng vốn đầu tư, dư tiền để làm các tuyến metro”, ông Mai nói và cho rằng, về thiết bị là tàu điện vận hành, chúng ta có cơ chế để thuê thiết bị, không cần phải vay vốn ODA để đầu tư rất tốn kém, chi phí cao.
Nhưng điều mà các chuyên gia lo ngại là tính pháp lý của TOD hiện chưa rõ ràng. Ông Mai cho rằng, đã có Luật Đầu tư PPP, nhưng trong luật này chưa rõ phương thức TOD.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, để thay đổi các quy định của các luật rất mất thời gian. Ngay từ khi lập dự án, cần đưa ra phương án phát triển giao thông kèm đô thị. Tùy mức vốn đầu tư mà từng cấp thẩm quyền phê duyệt. Và khi dự án được phê duyệt, xem đây là cơ sở pháp lý cho dự án, lúc đó các địa phương bám dự án để triển khai.
Nghiên cứu một số dự án metro theo TOD
Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất UBND TP giao chủ trì với các sở, ngành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi một số dự án metro có khả năng khai thác quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga theo mô hình TOD, cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060; nghiên cứu tham mưu trình TP về phương án, kế hoạch huy động vốn để đầu tư các tuyến metro giai đoạn 2021 - 2035, báo cáo trước ngày 30/11.