TP.HCM khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút FDI

Kể từ khi mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay, TP.HCM luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút dòng vốn ngoại. Đó là 'trái ngọt' cho hành trình đầy quyết tâm của 'đầu tàu' kinh tế.

Nhân viên của Intel thực hiện đóng gói chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Nhân viên của Intel thực hiện đóng gói chip tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Tạo sức hút với dòng vốn ngoại

Những ngày cuối tháng 3/2025, hàng loạt tập đoàn và quỹ đầu tư ngoại hội tụ về TP.HCM để tham dự Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, do Bộ tài chính tổ chức. Số lượng doanh nghiệp tham dự quá đông khiến hội trường của một trong những khách sạn lớn nhất TP.HCM cũng không đủ chỗ ngồi.

Cùng thời điểm này, lãnh đạo TP.HCM cũng có các buổi làm việc con thoi với các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Thành phố tìm hiểu môi trường đầu tư. Số liệu thống kê từ UBND TP.HCM cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2025, lãnh đạo Thành phố đã đón tiếp và làm việc với 15 đoàn doanh nghiệp nước ngoài (chưa kể các buổi làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể) đến tìm hiểu đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jeong Jihoon, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nói rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá TP.HCM là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư tốt và vị trí thuận lợi. “Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi TP.HCM là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông Jeong Jihoon chia sẻ.

TP.HCM chính thức mở cửa đón dòng vốn FDI từ năm 1988, ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987. Tuy nhiên, thu hút FDI thực sự bùng nổ kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, vốn FDI vào Thành phố ngày một tăng cao. Nếu như giai đoạn 2005 - 2009, TP.HCM thu hút được 14 tỷ USD, thì đến giai đoạn 2010 - 2015 đã tăng lên 15,6 tỷ USD. Đặc biệt, thời kỳ “hoàng kim” nhất của TP.HCM trong thu hút FDI là giai đoạn 2016 - 2020, với 29,9 tỷ USD. Con số này sau đó sụt giảm còn 15,8 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2024 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Intel chọn TP.HCM vì thành phố này nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, hệ thống giao thông và viễn thông được đầu tư tốt, lực lượng lao động trẻ và tài năng, gần trung tâm châu Á…

- Ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Việt Nam

Trong 3 tháng đầu năm 2025, thu hút FDI vào TP.HCM tiếp tục khởi sắc với tổng vốn đăng ký đạt 567,2 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế đến tháng 3/2025, Thành phố tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với hơn 13.900 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 59,5 tỷ USD.

Dấu ấn nổi bật nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.HCM là việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận vào năm 1991. Việc tiên phong triển khai mô hình “một cửa” tại khu chế xuất này đã tạo tiền đề cho Thành phố thành lập hàng loạt khu chế xuất và khu công nghiệp (KCN) như Linh Trung, Tân Tạo, Hiệp Phước…, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Thành phố. Từ đó, TP.HCM nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chìa khóa thành công

Đến nay, TP.HCM vẫn được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầy hấp dẫn. Nhiều tập đoàn tên tuổi như Intel, Samsung, Lotte, Aeon, Keppel Land... đã chọn TP.HCM làm cứ điểm đầu tư chiến lược.

Nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm, Intel quyết định đầu tư vào TP.HCM, ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Việt Nam chia sẻ, Intel chọn TP.HCM vì thành phố này nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, hệ thống giao thông và viễn thông được đầu tư tốt, lực lượng lao động trẻ và tài năng, gần trung tâm châu Á…

“Lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam, Intel đã được cung cấp cơ chế một cửa rất thuận tiện và nhanh chóng”, ông Kenneth Tse nhớ lại.

Việc thu hút được các tập đoàn lớn như Intel cho thấy, TP.HCM có đầy đủ hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ hoạt động sản xuất tiên tiến.

Thành công của TP.HCM trong việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ vị trí địa lý thuận lợi hay quy mô thị trường lớn, mà còn nhờ vào sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư và sự đồng hành của chính quyền Thành phố với doanh nghiệp.

Để tiếp tục tạo niềm tin cho nhà đầu tư, TP.HCM quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép đầu tư, tổ chức đối thoại định kỳ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở, ngành của Thành phố tiếp tục cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính có điều kiện kinh doanh không cần thiết thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sự quyết tâm và thiện chí đó của Thành phố đã tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư.

Khẳng định vị thế đầu tàu

Trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra đầu năm nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định, nguồn vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Dù đang dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, nhưng TP.HCM không “ngủ quên trên chiến thắng” mà quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để tiếp tục thu hút nhiều tập đoàn lớn. Song, việc thu hút đầu tư giai đoạn này sẽ rất khác so với giai đoạn trước, vì Thành phố sẽ chọn lọc dự án sử dụng công nghệ mới, có giá trị gia tăng cao, có khả năng kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thay vì cấp phép đầu tư đại trà như trước đây.

Trong làn sóng đầu tư thứ ba, TP.HCM đang đứng trước cơ hội đón các “đại gia” đến đầu tư, như Nvidia, Eaton, Warburg Pincus (Hoa Kỳ), Hyosung (Hàn Quốc)…

Để đón được dòng vốn FDI chất lượng cao, TP.HCM đã có sự chuẩn bị rất kỹ khi mở rộng thêm 195 ha tại Khu công nghệ cao để thu hút đầu tư các ngành vi mạch, bán dẫn. Thành phố cũng đang chuẩn bị đầu tư KCN Phạm Văn Hai I và II tại huyện Bình Chánh theo tiêu chuẩn KCN xanh để thu hút các ngành nghề công nghệ cao. Các khu chế xuất và KCN hiện hữu cũng sẽ được định hướng chuyển đổi thành KCN xanh, thu hút các ngành nghề công nghệ cao.

TP.HCM có lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin đông đảo, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghiệp bán dẫn. Các trường đại học tại TP.HCM đang hợp tác cùng các tập đoàn lớn để đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, vi mạch.

Để nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu thu hút ngành công nghệ cao, năm 2024, TP.HCM ký thỏa thuận hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) để thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (C4IR). Trung tâm này sẽ là động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghệ - thông tin của Thành phố trong thời gian tới.

TP.HCM cũng đang tăng tốc đầu tư hàng loạt tuyến đường vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4). Ngay trong năm 2025, Thành phố dự kiến đầu tư 10 dự án hạ tầng chiến lược với tổng vốn khoảng 100.000 tỷ đồng, như Dự án Vành đai 4 đoạn qua TP.HCM (15.120 tỷ đồng); Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (19.650 tỷ đồng) và 5 dự án BOT cửa ngõ với vốn đầu tư 44.592 tỷ đồng... Đối với đường sắt đô thị, TP.HCM đang dốc toàn lực đầu tư 7 tuyến metro để hoàn thành trong 10 năm tới; đầu tư các tuyến đường sắt nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.

Nhìn lại quá trình thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, Thành phố đã đón 2 làn sóng đầu tư, với nhiều giải pháp thu hút đầu tư đột phá và mang lại hiệu quả lớn.

Với làn sóng đầu tư thứ nhất, Thành phố đã thu hút thành công nhiều doanh nghiệp đa lĩnh vực và hình thành nhiều khu chế xuất, KCN. Với làn sóng thứ hai, TP.HCM thu hút đầu tư chọn lọc hơn, theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư, tập trung thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và đã trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Nidec Sankyo...

Giờ đây, TP.HCM đang đón làn sóng đầu tư thứ ba. Bước đầu, Thành phố đã thu hút được các dự án công nghệ cao để tạo nền móng phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới, tiếp tục khẳng định vai trò “cánh chim đầu đàn” của cả nước trong đầu tư công nghệ cao.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-khang-dinh-vi-the-dan-dau-trong-thu-hut-fdi-d275253.html