TP.HCM không chuyển Khu công nghiệp Phong Phú thành khu đô thị

Khu công nghiệp Phong Phú chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động, nên không đáp ứng đủ điều kiện để chuyển đổi thành khu đô thị dịch vụ đa chức năng.

Chủ đầu tư xin chuyển đổi

Được thành lập cách đây 23 năm, nhưng Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM, diện tích 163,3 ha vẫn chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, chưa có doanh nghiệp hoạt động.

Do Dự án bị đình trệ quá lâu, tháng 12/2024, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (Công ty Phong Phú - chủ đầu tư) liên tục có 3 văn bản gửi UBND TP.HCM kiến nghị chuyển đổi chức năng KCN Phong Phú sang đô thị dịch vụ đa chức năng và tích hợp vào Đồ án Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

Đây không phải lần đầu tiên Công ty Phong Phú xin chuyển đổi KCN Phong Phú thành khu đô thị dịch vụ đa chức năng. Trước đó, tháng 10/2016, Văn phòng UBND Thành phố đã có Thông báo số 673/TB-VP về kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố rằng, không thống nhất chủ trương điều chỉnh chức năng tại KCN Phong Phú theo đề xuất của chủ đầu tư.

Đến tháng 8/2019, Thanh tra TP.HCM ban hành Kết luận thanh tra số 23/KL-TTTP-P5 về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú. Kết luận chỉ rõ, Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối 74,8%, nhưng thẩm định giá vốn, không tổ chức đấu giá mà chỉ định bán 25% vốn cổ phần cho Công ty TNHH Bất động sản Hoa Lâm, làm thất thoát vốn nhà nước hơn 19,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, chủ đầu tư Dự án KCN Phong Phú chưa thực hiện xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng đã tự dùng đất đem thế chấp vay ngân hàng để phục vụ mục đích riêng, không thể hiện trên sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị...

Điều đáng nói, KCN Phong Phú vẫn đang trong quá trình thực hiện các kết luận của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan cảnh sát điều tra, song chủ đầu tư Dự án vẫn đề xuất chuyển đổi từ KCN thành khu đô thị dịch vụ đa chức năng.

Không có cơ sở chuyển đổi

Sau khi nhận được đề xuất của chủ đầu tư KCN Phong Phú, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu chính quyền Thành phố phương án giải quyết.

Trong đó, Sở Quy hoạch, Kiến trúc cho rằng, việc chuyển đổi chức năng KCN Phong Phú sẽ ảnh hưởng đến Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc điều chỉnh chức năng KCN Phong Phú sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất, việc xác định số tiền thuê đất phải nộp và các nghĩa vụ tài chính khác. Mặt khác, việc chuyển đổi sẽ tác động đến phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đã bàn giao đất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh chức năng KCN Phong Phú làm ảnh hưởng đến chính sách ưu đãi đầu tư đã được cấp cho Dự án (Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 4759/UB-CNN ngày 31/12/2002). Trường hợp chuyển đổi chức năng KCN Phong Phú, thì các ưu đãi ban hành trước đó cho nhà đầu tư chưa biết xử lý ra sao.

Đồng tình với ý kiến của các sở, ngành, Hepza nhận định, KCN Phong Phú đã được phê duyệt quy hoạch là đất công nghiệp. Việc phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư thu hồi đất là để đầu tư, phát triển KCN. Do đó, việc chuyển đổi sang khu đô thị dịch vụ đa chức năng sẽ không phù hợp với mục tiêu quy hoạch và phương án bồi thường đã được phê duyệt là đất khu công nghiệp. Điều này có thể dẫn đến khiếu kiện của các cá nhân, tổ chức đã nghiêm túc thực hiện bàn giao đất để triển khai dự án KCN nhằm phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia.

Hơn nữa, tháng 4/2023, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất, KCN TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Thành phố giữ lại quỹ đất công nghiệp của tất cả các KCN và khu chế xuất trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, đối chiếu với Điều 13, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, thì việc chuyển đổi phải đảm bảo 5 điều kiện. Trong khi đó, KCN Phong Phú chưa hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, chưa đủ điều kiện đi vào hoạt động, chưa có doanh nghiệp hoạt động. Như vậy, KCN này không đáp ứng đủ điều kiện để xem xét chuyển đổi thành khu đô thị dịch vụ đa chức năng.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-khong-chuyen-khu-cong-nghiep-phong-phu-thanh-khu-do-thi-d244622.html