TP.HCM kiến nghị Chính phủ gỡ vướng cho dự án cảng Cần Giờ

TP.HCM kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian giải ngân vốn dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 9, Điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Từ đó gỡ khó cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (gọi tắt cảng Cần Giờ).

Theo UBND TPHCM, điểm b, khoản 9, Điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội quy định: Phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án.

 TP.HCM kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian giải ngân vốn dự án cảng Cần Giờ. Ảnh: Sở Giao thông công chánh cung cấp

TP.HCM kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian giải ngân vốn dự án cảng Cần Giờ. Ảnh: Sở Giao thông công chánh cung cấp

Theo hồ sơ thực hiện dự án do Liên danh Công ty CP Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A (công ty thành viên của hãng tàu lớn nhất thế giới MSC) đề xuất, dự án cảng Cần Giờ có tổng mức đầu tư 113.531, 7 tỉ đồng. Thời gian thực hiện thành 7 phân kỳ đầu tư (7 giai đoạn), từ 2027 đến 2045, thời gian thực hiện dự án là 22 năm.

Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 140/2025, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã được quy hoạch cụ thể.

Theo đó, đến năm 2030 từ 2- 4 bến cảng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 28,8 triệu tấn đến 57,5 triệu tấn (tương ứng từ 2,4 triệu TEU đến 4,8 triệu TEU).

Đề án nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua có nghiên cứu, dự kiến sơ bộ kinh phí, phân kỳ đầu tư dự án.

Cụ thể, dự án có quy mô và kinh phí dự kiến đầu tư lớn, do đó, việc phân kỳ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả của dự án.

Dự kiến tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn trước năm 2030 từ 2-4 khu bến; giai đoạn sau (từ năm 2030-2045) sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt từ 13-15 khu bến.

Việc đề nghị nhà đầu tư hoàn tất đầu tư toàn bộ bến cảng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong vòng 5 năm có nguy cơ phá vỡ phương án tài chính của dự án, không phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ của thị trường. Chưa kể có thể phá vỡ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ảnh hưởng trực tiếp tới việc hoạt động của các cảng lân cận.

Để có thể kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư dự án, UBND kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh điểm b khoản 9 Điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội.

Cụ thể, điều chỉnh quy định trên theo hướng: "Phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 10 năm kể từ ngày bàn giao đất, mặt nước trên thực địa. Trong thời gian này, nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng dự án".

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-kien-nghi-chinh-phu-go-vuong-cho-du-an-cang-can-gio-post841399.html