TP HCM kiến nghị có hướng dẫn hàng loạt vấn đề về đầu tư công

UBND TP HCM vừa có một số kiến nghị hướng dẫn, áp dụng các qui định về pháp luật đầu tư công để khắc phục những chồng chéo, hạn chế trong lĩnh vực này.

TP HCM kiến nghị có một số hướng hướng dẫn về pháp luật đầu tư công.

TP HCM kiến nghị có một số hướng hướng dẫn về pháp luật đầu tư công.

UBND TP cho biết, tại khoản 2, Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó”.

Mặt khác, về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công, tại khoản 1, Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”.

Tại TP HCM, tổng số vốn đầu tư bố trí từ nguồn vốn ngân sách TP cho các dự án trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 được HĐND TP thông qua là 150.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không được vượt quá 30.000 tỷ đồng (=20%x 150.000 tỷ đồng).

Đến ngày Luật Đầu tư công năm 2019 bắt đầu có hiệu lực (ngày 1/1/2020), Thành phố đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án theo quy định Luật Đầu tư công năm 2014 với tổng nhu cầu vốn chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Do Luật Đầu tư công năm 2019 mới quy định việc xem xét số vốn chuyển tiếp giữa 2 giai đoạn trung hạn khi quyết định chủ trương đầu tư dự án; đồng thời, các dự án nêu trên đã được quyết định chủ trương đầu tư trước thời điểm Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực và Luật Đầu tư công năm 2014 không có quy định nội dung này nên không vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 nêu trên.

Tuy nhiên, hiện nay, các dự án mới đang được TP xem xét quyết định chủ trương đầu tư phải tuân thủ quy định Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 khi tiến hành thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Với tổng nhu cầu vốn chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 đã vượt 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Trong thời điểm hiện nay, nếu thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư dự án mới, Thành phố sẽ vi phạm quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.

Như vậy, quy định này gây ra khó khăn cho các địa phương khi thực hiện thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp, đặc biệt đây là thời điểm giao thoa giữa Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Đầu tư công năm 2019.

UBND TP kiến nghị tháo gỡ nội dung này, trong đó đề xuất quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 (dự án chuyển tiếp từ 2021 - 2025 sang 2026 - 2030).

Theo UBND TP HCM, tại khoản 1, Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công: “1. Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật ”.

Tại khoản 4, Điều 33 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn như sau: “4. Chủ tịch UBND các cấp giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đổi vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý trong phạm vi tổng số vốn đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền thông báo cho giai đoạn sau, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn được Quốc hội, HĐND các cấp quyết định cho địa phương và số vượt thu thực tế của ngân sách địa phương (nếu có) dành cho đầu tư phát triển, trừ dự án quy định tại khoản 2 Điều này ”.

Để đảm bảo các mốc thời gian theo quy định của Luật Đầu tư công, UBND Thành phố kiến nghị có hướng dẫn về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án đề xuất chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Hướng dẫn triển khai lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ thông báo tổng mức vốn đầu tư công nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguồn vốn Trung ương (vốn trong nước và vốn ODA cấp phát) trong giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định...

G.Nguyễn - C.Phong

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/tp-hcm-kien-nghi-co-huong-dan-hang-loat-van-de-ve-dau-tu-cong-524869.html