TP HCM kiến nghị gỡ khó cho chính quyền đô thị
Để mô hình chính quyền đô thị thực hiện hiệu quả, tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển cho TP HCM, rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành để tháo gỡ các vướng mắc
Theo UBND TP HCM, từ ngày 1-7-2021, TP HCM chính thức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 ngày 16-11-2020 của Quốc hội. Qua hơn 9 tháng thực hiện, mô hình đã đem lại một số hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị nhưng cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Nhiều khó khăn nảy sinh
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố, UBND TP HCM cho biết gặp khó về số lượng biên chế cán bộ, công chức phường. Theo quy định thì tổng số cán bộ, công chức mỗi phường tối đa không quá 23 người đối với đơn vị hành chính loại 1. Tuy nhiên, trên thực tế khi bố trí số lượng cán bộ, công chức tại 249 phường khi thực hiện chính quyền đô thị bình quân 21 người/phường vì giảm 2 cán bộ do không còn chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách nhưng lại không thể sử dụng để bố trí chức danh công chức, tăng hiệu quả giải quyết công việc và đáp ứng công tác quản lý nhà nước hiện nay.
Tại TP Thủ Đức cũng gặp vướng tương tự. Theo Đề án số 591 của Chính phủ, số lượng biên chế hành chính là 459 người vào cuối năm 2022, số lượng cấp phó không quá 3 người tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. Số lượng cấp phó và biên chế theo quy định khó đáp ứng nhu cầu về nhân sự của địa phương, đặc biệt khi TP Thủ Đức được sáp nhập từ 3 quận lớn của TP HCM. Ngoài ra, số lượng công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm tương đối lớn (309 người, gồm 228 biên chế hành chính và 81 biên chế sự nghiệp) nên các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong công tác sắp xếp công chức, viên chức dôi dư.
Về số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn hiện tại đang được bố trí theo Nghị định 34/2019 của Chính phủ. Theo đó, bình quân giảm 8 người/phường, tại thành phố phải thực hiện sắp xếp giảm 2.299 người. Với số lượng người hoạt động không chuyên trách bố trí theo Nghị định 34 chưa đáp ứng được khối lượng công việc tại phường, xã, thị trấn.
Còn ở lĩnh vực tài chính, trước đây, UBND phường thực hiện quản lý ngân sách theo Thông tư 344/2016 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên hiện nay, phường không còn là một cấp ngân sách nhưng vẫn chưa có thông tư mới hướng dẫn quản lý tài chính và chế độ kế toán. Trong quá trình điều hành ngân sách nếu có phát sinh các nhiệm vụ chi ngoài dự toán được giao thì phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung, UBND phường, quận phải báo cáo Sở Tài chính để báo cáo UBND TP HCM trình Thường trực HĐND thành phố xem xét, quyết định báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất. Từ đó, không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh phí cho quận, phường thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ phát sinh đột xuất khác; làm cản trở việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị.
Những kiến nghị từ thực tế
Nhận diện được khó khăn, vướng mắc, UBND TP HCM đã kiến nghị lên trung ương nhiều vấn đề. Theo đó, kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét cho phép bố trí số lượng cán bộ, công chức bảo đảm số lượng tối đa 23 người/phường đơn vị hành chính loại 1 theo quy định Nghị quyết 34/2019; cho phép TP HCM căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố, trình HĐND cùng cấp quyết định thêm số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã ngoài số lượng đã quy định.
Về phân cấp, ủy quyền, cần đẩy mạnh phân cấp quản lý đối với các lĩnh vực: tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đầu tư công; quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý ngân sách; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước phân cấp, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Liên quan lĩnh vực tài chính, UBND TP HCM kiến nghị cần có quy trình hoặc cơ chế thực hiện bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp 1 đơn giản, thuận lợi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. UBND quận và phường sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng dự toán ngân sách chi điều hành kinh tế - xã hội tại quận, phường bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Đẩy mạnh giám sát quận, phường không tổ chức HĐND
Để bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND TP HCM trong điều kiện thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND thành phố đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả chức năng giám sát. Trong đó, HĐND TP HCM tập trung quan tâm giám sát đối với UBND quận, phường không tổ chức HĐND. Đồng thời, phát huy vai trò của chuyên gia trong tham gia hoạt động giám sát; tập trung theo dõi kiến nghị cử tri thông qua tổ đại biểu; tăng cường giám sát việc trả lời các kiến nghị của cử tri, nắm kết quả giải quyết và có ý kiến chấn chỉnh kịp thời những vụ việc kéo dài, phát hiện các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình kéo dài thời gian, né tránh...
Ngoài ra, HĐND TP HCM tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là với Đoàn Đại biểu Quốc hội; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của HĐND TP HCM với hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị và phát huy vai trò của nhân dân. Đặc biệt, HĐND TP HCM cũng ban hành Nghị quyết về Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026, để HĐND thành phố phải thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Ông CAO THANH BÌNH, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM: Cần tăng tính chủ động cho địa phương
Đối với các kiến nghị của UBND TP HCM về thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tôi rất ủng hộ, bởi việc này tăng tính chủ động cho địa phương, giúp địa phương bố trí nhân lực phù hợp với tình hình thực tế.
Còn nhớ, khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 06/2020 quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, tôi rất buồn. Bởi không thể không làm theo quy định nhưng chưa sát với thực tế của thành phố.
Ông DIỆP VĂN SƠN, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ: Cần rõ ràng về cơ chế
Phải nhìn nhận rằng việc triển khai mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM hơi chậm, chưa rõ nét, chưa thấy tác động nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội của thành phố. Ngoài việc không có HĐND cấp quận, phường, nguyên nhân có thể là do TP HCM vừa qua bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa có cơ chế rõ ràng nên còn rụt rè. Có lẽ đây là mô hình chưa có tiền lệ nên khi triển khai còn lúng túng ở các bộ, ngành lẫn TP HCM.
Để đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM, cần có sự rõ ràng về cơ chế, cái gì TP HCM được làm, cái gì cần phải xin phép lên trung ương. Nếu cơ chế không rõ ràng, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền không được nâng cao thì sẽ không phát huy được hiệu quả của chính quyền đô thị.