TP HCM kiến nghị nâng mức lương khởi điểm với bác sĩ trẻ
Mức lương tại các cơ sở y tế công lập của cán bộ viên chức còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống, chưa thực sự tạo được động lực tăng hiệu quả làm việc.
Ngày 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức hội nghị Tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do ngày 17-10.
Tại hội nghị, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, chia sẻ mức lương tại các cơ sở y tế công lập còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ viên chức; chưa thực sự tạo được động lực tăng hiệu quả làm việc.
Bác sĩ Hoàng đề xuất lương cơ bản cần phải phù hợp với viên chức theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo; bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động và giữa khu vực công với tư nhân.
Bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP HCM), cho biết nếu áp dụng mức lương như hiện tại sẽ không thu hút nhân lực chất lượng cao. Hiện mức lương khởi điểm đối với đội ngũ bác sĩ được áp dụng ở mức 1 có hệ số 2,34.
Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp do tính chất đặc thù của ngành y với thời gian đào tạo 6 năm, học lên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2... Do đó, kiến nghị nâng mức lương khởi điểm tăng cao hơn so với mức lương hiện tại.
Cũng tại hội nghị, đại diện Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh kiến nghị BHXH, Bộ Y tế bổ sung thông tuyến tỉnh và tuyến TP cho các trung tâm y tế, trạm y tế tại TP HCM; xem xét mở rộng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế để thu hút người bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng.
Về cơ chế trang thiết bị, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Đại biểu Quốc hội TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thời gian qua, vấn đề mua sắm thuốc đã được tháo gỡ rất nhiều, nhưng chưa toàn diện 100%. Ngành y tế mong chờ năm 2024, khi luật đấu thầu mới có hiệu lực, nghị định, thông tư mới ra đời sẽ tháo gỡ được tương đối toàn diện cho việc mua sắm. Cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để có trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh.