TP.HCM: Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để chăm lo tốt cho thiếu nhi

Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, lắng nghe để hiểu hơn nguyện vọng của thiếu nhi, từ đó có giải pháp phù hợp chăm lo cho các cháu thiếu nhi ngày càng tốt hơn.

Sáng 5-6, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức chương trình “Lãnh đạo TP gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi năm 2022”.

Chương trình có sự tham gia của 150 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,9 triệu trẻ em TP. Các em là những học sinh (HS) giỏi tiêu biểu, tài năng trẻ, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm nhà thiếu nhi; là con công nhân lao động, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, thiếu nhi tại các cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, thiếu nhi bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19 và các em là đại biểu Hội đồng trẻ em TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Lệ mong muốn hiểu nguyện vọng của các thiếu nhi để chăm lo ngày càng tốt hơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Lệ mong muốn hiểu nguyện vọng của các thiếu nhi để chăm lo ngày càng tốt hơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mong muốn thầy cô dạy sử hay như trên TikTok

Tại buổi gặp gỡ, các thiếu nhi bày tỏ trực tiếp 24 ý kiến, mong muốn về các vấn đề như xây dựng các thư viện để HS ngoại thành dễ dàng tiếp cận văn hóa đọc hơn; mong muốn có nhiều sân chơi để HS rèn luyện kỹ năng, giải tỏa áp lực sau giờ học mệt mỏi; đề xuất hình thức đổi mới dạy và học môn lịch sử để HS có hứng thú học hơn…

Cụ thể, em Nguyễn Vương Song My, HS Trường THCS Hoàng Lê Kha (quận 6), bày tỏ: “Em rất yêu thích môn lịch sử nhưng môn này hiện đang được giảng dạy một cách qua loa, nội dung chưa rõ ràng, gây nhàm chán. Trong khi đó, các nội dung về lịch sử trên mạng xã hội hay TikTok lại rất ấn tượng và thú vị khiến nhiều bạn thích thú hơn”.

Vì vậy, Song My mong rằng chương trình giảng dạy môn lịch sử trên lớp cần thú vị, hấp dẫn hơn và thời lượng phù hợp hơn để tất cả HS đều hiểu bài. Ngoài dạy kiến thức sách giáo khoa, thầy cô cần quan tâm nâng cao cách giảng dạy môn này. Đặc biệt lồng ghép các hình ảnh, video, mô hình trong bài giảng để môn học được sinh động, gây hứng thú và kích thích sự ham học hỏi của HS hơn.

Một học sinh bày tỏ ý kiến, mong muốn của mình với lãnh đạo TP. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Một học sinh bày tỏ ý kiến, mong muốn của mình với lãnh đạo TP. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Còn Đặng Trần Huyền Thư, HS Trường THCS Hoa Lư (TP Thủ Đức), mong muốn TP có thêm nhiều hoạt động rèn luyện thể dục thể thao và các sân chơi để HS rèn luyện kỹ năng, giải tỏa áp lực sau giờ học mệt mỏi.

“Qua SEA Game vừa rồi, con nhận thấy thể thao chính là một trong những hướng giúp hội nhập quốc tế, giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy con nghĩ nếu tụi con được phổ cập rộng rãi một số môn thể thao quen thuộc cũng như tiếp cận được những môn mới thì chúng con cũng có thể sẽ là một trong những chủ nhân của các huy chương đó” - Huyền Thư bày tỏ.

Bày tỏ sự quan ngại về thông tin tiêu cực liên quan đến trẻ em, diễn viên nhí Mai Cát Vi, HS lớp 7/3 Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), chia sẻ trong quãng thời gian vừa qua, em và các bạn có sự lo lắng và sợ hãi, bất an khi liên tục nghe được rất nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến trẻ em như bạo hành trẻ em nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí tử vong hay lạm dụng trẻ em để kiếm tiền.

“Cá nhân con thấy nhiều trẻ em rất nhỏ được người lớn đặt trên đường để xin tiền. Việc lợi dụng trẻ em làm công cụ lao động này diễn ra hằng ngày một cách công khai. Nhiều vụ bạo hành trẻ em dã man, bạo lực học đường, nạn xâm hại tình dục, ấu dâm cũng chưa dừng lại. Con đến đây cùng với suy nghĩ và sự băn khoăn rằng làm thế nào để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và được bảo vệ?” - Cát Vi bày tỏ.

Bên cạnh đó, Cát Vi đưa ra ba phương án sau: Cần tăng nặng hình phạt đối với nạn lạm dụng trẻ em làm công cụ lao động, tăng hình phạt mức cao nhất đối với các trường hợp phạm tội liên quan đến trẻ em; không để tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống dưới mọi hình thức bằng cách đón nhận trẻ về các mái ấm; xử lý triệt để những cá nhân (kể cả cha mẹ ruột) có hành vi lạm dụng trẻ em.

Diễn viên nhí nói: “Chúng con là tương lai của đất nước, chúng con mong muốn có một môi trường sống được bảo vệ. Xin hãy cho chúng con cảm thấy được yêu thương, được an toàn ở mọi lúc, mọi nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu của mình”.

“Qua ý kiến của các HS, tôi thấy cần tham mưu cho lãnh đạo TP để xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, tập trung nâng cao đời sống tinh thần cho thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng ngoại thành.”

NSƯT Thanh Thúy

Sẽ nỗ lực đáp ứng mong muốn của thiếu nhi

Phản hồi những ý kiến liên quan đến giáo dục của các em thiếu nhi, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết đối với yêu cầu bổ sung các môn thể thao chưa phổ biến, trong chương trình giáo dục mới, ngành giáo dục cũng đã có sự mở rộng hơn với việc lựa chọn môn học thể thao. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành để ngày càng mở rộng các hoạt động thể dục thể thao hơn.

“Về bộ môn lịch sử, hiện nay, cách xây dựng chương trình cũng như cách tổ chức hoạt động giảng dạy đã có nhiều sự thay đổi. Các thầy cô đã được bồi dưỡng, tập huấn nhiều phương pháp mới. Do vậy, tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của các thầy cô trong thực hiện chương trình phổ thông mới, xây dựng nhiều chủ đề học tập trong và ngoài lớp, các HS sẽ có nhiều tiết học, hoạt động học tập liên quan đến môn lịch sử nhằm nâng cao chất lượng dạy học, giúp các em yêu thích học lịch sử hơn” - ông Quốc nói.

Phản hồi về các thiết chế văn hóa cho thiếu nhi, NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói: “Qua ý kiến của các HS, tôi thấy cần tham mưu cho lãnh đạo TP để xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, tập trung nâng cao đời sống tinh thần cho thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng ngoại thành”.

Cũng theo bà Thúy, việc nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong học đường là nội dung TP rất quan tâm. Với ý kiến xây dựng thư viện xanh trong công viên, khu công cộng, có thể Sở VH-TT sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình thư viện lưu động - là nơi để thiếu nhi tiếp cận kiến thức trong sách, phát triển văn hóa đọc.•

Để TP.HCM trở thành đô thị thông minh, thân thiện với trẻ em

Thông qua buổi gặp gỡ này, lãnh đạo TP.HCM sẵn sàng lắng nghe trực tiếp những tâm tư, tình cảm, trao đổi những vấn đề các em thiếu nhi quan tâm. Đặc biệt là những chia sẻ, bày tỏ những cảm nhận, cảm xúc của các cháu về TP thân yêu.

Qua đó, giúp lãnh đạo TP.HCM hiểu sâu sắc hơn những suy nghĩ, ước mơ, hoài bão, mong muốn của các em thiếu nhi để từ đó có những chủ trương, chính sách, giải pháp phù hợp chăm lo cho các cháu thiếu nhi ngày càng tốt hơn. Đồng thời lãnh đạo cũng lắng nghe những đề xuất của các cháu để TP.HCM phát triển, thực sự trở thành đô thị thông minh và thân thiện với trẻ em.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ, Chủ tịch HĐND TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-de-cham-lo-tot-cho-thieu-nhi-post683280.html